Những gì tôi biết về Thầy tôi
NỘI DUNG MÔ TẢ
Sau này tôi mới hiểu Thầy đang thực hiện “tu là sống, sống là tu”, đó là phương pháp xả tâm qua thân hành niệm, khẩu hành niệm và ý hành niệm. Ngay trong việc làm mà biết xả tâm là an vui trong việc làm, đó là giải thoát. Ngay trong hoàn cảnh, bất cứ hoàn cảnh nào, dù thuận hay nghịch mà biết xả tâm, mà biết sống thuận đạo lý nhân quả không làm khổ mình khổ người, thì đó là giải thoát.
Quý bạn đọc vui lòng chọn định dạng pdf hoặc epub, rồi nhấn nút “Đọc” để đọc toàn bộ nội dung tư liệu, hoặc xem trực tiếp như dưới đây:
NHỮNG GÌ TÔI BIẾT VỀ THẦY TÔI
Mật Hạnh
Được cha mẹ cho theo Thầy tu tập lúc 9, 10 tuổi, tuy tuổi còn bé nhưng tôi còn nhớ rất rõ ràng, nhất là được ba tôi nói về đời sống của Thầy tôi.
Những thông tin trong sách và băng giảng của Thầy cho biết Thầy là một trong 10 tu sĩ của Chân Không vào năm 1970. Sau ba tháng an cư tu thiền với Hòa thượng Thanh Từ ở đây, Thầy về An Giang cùng với hai vị sư khác. Khi đến An Giang, Thầy ở lại đây chờ bình phục sức khỏe do bị bệnh. Sau khi sức khỏe bình phục, Thầy ra Hòn Sơn tu 9 tháng thì về Trảng Bàng tu tiếp và đến năm 1980 thì chứng đạo.
Mật Hạnh theo Thầy vào năm 1980 và được Thầy quy y cùng ngày với cô Út. Lúc bấy giờ, Mật Hạnh mới 10 tuổi nên cái gì thấy biết từ năm 1980, còn cái gì không biết, được ông thân và Thầy tôi nói cho biết. Vì thế, trong bài viết này phần nhiều Mật Hạnh quan sát mà viết ra.
Hằng ngày tôi không thấy Thầy ăn uống phi thời hay ăn uống lặt vặt, duy nhất ngày một bữa ngọ, cơm nước tương, rau lang luộc và muối đâm nhỏ do bà nội tôi làm sẵn.
Đám khoai lang mà nội tôi trồng để hái lá luộc cho Thầy ăn, mọi người đi ngang qua thường bảo: “Đám khoai lang này có con sâu gì ăn sạch lá hết”. Đúng vậy, ngày nào Thầy tôi cũng ăn lá lang luộc, vì thế mà đám khoai lang không kịp ra lá.
Thấy Thầy ăn quá kham khổ nên nội tôi bảo cô Út mua cho Thầy ít miếng đậu về kho, nhưng Thầy bảo: “Mẹ đừng lo cho con, con ăn uống như vậy đủ lắm rồi, càng ăn sung sướng hơn thì em con lại cực nhọc nhiều hơn”.
Thầy ăn thật chậm chạp, nhai thật kỹ, dường như tâm ý Thầy tập trung vào hành động nhai, nên tôi không thấy Thầy nhìn ra ngoài hay nhìn một người nào đang đi ngang qua thất (chỗ Thầy ở). Thầy không bao giờ lưu ý đến ai, nhất là trong bữa ăn.
Trước khi ăn Thầy thường mặc chiếc áo tràng cũ vá nhiều lỗ, Thầy chấp tay trước ngực miệng thầm niệm một điều gì đó, lúc ấy tôi không biết, nhưng bây giờ tôi đã hiểu: đó là Thầy đang cung kính dâng lên lòng thành kính biết ơn của Thầy đối với Chư Phật và ông bà, cha mẹ, những người này đã bố thí cho Thầy có thân và có pháp tu hành.
Từ khi bắt đầu ăn cho đến khi rửa bát tôi thường thấy Thầy làm mọi việc nhẹ nhàng, cẩn thận, kỹ lưỡng. Dường như Thầy tập trung tâm mình rất cao trong những hành động làm việc ấy, cho nên lúc bấy giờ ai nói gì Thầy cũng không để ý, do sự tập trung tỉnh thức ấy nên từ những con vật nhỏ như loài kiến Thầy cũng tránh không làm chúng đau khổ và chết.
Tâm niệm Thầy rất thương yêu những loài vật, nên những thực phẩm ăn dư thừa Thầy để lại một ít cơm rồi bỏ nơi đất sạch và thầm bảo mà tôi được nghe: “Kiến ơi! Các con đừng vào thất thầy để Thầy tu tập, các con hãy ra đây ăn cơm với Thầy”. Tiếng kêu ấy nghe êm ái, dịu dàng tha thiết tràn đầy một tình thương yêu làm sao nói hết được, giống như tiếng gọi của người mẹ, kêu những đứa con thân thương của mình về ăn cơm vậy. Nghe tiếng gọi ấy khiến tôi xúc động đến rơi nước mắt. Nghĩ đến thân phận tôi, mẹ mất sớm, được vào chùa lúc còn bé thơ, được Thầy thương yêu chăm sóc dạy bảo tu tập, tình thương của Thầy không thể lấy tình thương nào so sánh được. Cho nên, tôi không thể nào xa Thầy được, ở bên Thầy tôi thấy có một sự an vui, hạnh phúc lạ thường.
Đời sống Thầy rất giản dị, chỉ có hai bộ quần áo ngắn, một chiếc áo tràng, một y vấn theo kiểu các sư khất sĩ, một túi đựng bát, những y áo này toàn màu vàng nghệ. Ngoài những bộ y áo ấy, Thầy chỉ còn những vật dụng cần thiết cho đời sống hàng ngày như: bàn chải, kem đánh răng, một chiếc khăn lau để tắm, một cán dao lam và lưỡi dao lam dùng để cạo tóc và râu.
Y áo ấy nhiều chỗ rách bà nội tôi phải đắp đập vá lại. Có lẽ chiếc áo của Thầy tôi đã rách tan nát, vì thế nội tôi vá chồng lên miếng vá khác, vì miếng vá trước đã rách. Những chiếc áo của Thầy tôi mặc giống như những chiếc áo lạnh xứ Đà Lạt, nhìn thấy Thầy tôi mặc như vậy nên bà nội tôi bảo:
˗ Để mẹ may cho con những bộ quần áo khác, vì những y áo này đã rách nát tan, mẹ không còn vá được nữa.
Thầy tôi trả lời:
˗ Không sao đâu mẹ, con phải tiết kiệm để tiền khi đau ốm, con ở trong thất tu hành, mặc như thế này đâu có sao, mẹ ạ!
Nghe Thầy tôi nói như vậy, bà nội tôi rưng rưng nước mắt, những giọt nước mắt rơi xuống của người mẹ thương con tu hành chịu nhiều vất vả gian nan. Trong khi cuộc sống của bà nội tôi chưa phải đến nỗi mà Thầy tôi phải ăn mặc như vậy. Nhưng nội tôi cũng thấu hiểu đây là hạnh của người tu giải thoát nên mọi vật trên thế gian này không còn cám dỗ con mình được nữa.
Ngày nay y áo và vải Phật tử cúng dường đầy đủ, nhưng Thầy tôi vẫn giữ y áo vừa đủ cho đời sống người tu sĩ Phạm hạnh.
Trong một túp lều mái tôn, vách liếp, cột kèo bằng cây tầm vông vừa đủ sáu mét vuông. Trong thất ấy được đặt một chiếc giường bằng tre, nhưng khéo đóng nên trông cũng đẹp mắt, sau khi chiếc giường tre ấy đã bị hư thì Thầy tôi dùng một tảng đá đặt trong thất vừa làm nơi ngồi thiền, vừa làm giường nằm. Thật ra đời sống của Thầy tôi chẳng có chi hết, đúng nghĩa “xả phú cầu bần”. Nhìn cảnh sống của Thầy tôi thật là đơn giản, chưa từng có một vị tu sĩ nào sống được như vậy.
Khi tôi mới đến với Thầy, lúc bấy giờ tôi thấy Thầy thường ngồi thiền hàng giờ, có khi ngồi suốt cả buổi hoặc cả ngày, nhưng sau này tôi thấy Thầy tôi ít ngồi thiền kiết già, nhưng lại ngồi tựa cửa thất nhìn thẳng vào một phương trời xa xăm, lúc ấy tôi không biết Thầy tôi đang làm gì, nhưng bây giờ tôi mới hiểu ra: “Đó là Thầy đang tu pháp Như Lý Tác Ý xả tâm, suốt ngày đêm và không nghỉ ngơi, nếu ai làm được như Thầy tôi thì tôi tin chắc rằng con đường giải thoát không còn xa. Chính bây giờ tu tập tôi chưa làm được những điều này”.
Có khi vào những đêm khuya khoắt tôi giật mình thức giấc thì thấy Thầy tôi đi kinh hành trong bóng đêm đen, như một bóng ma đi trong màn đêm đen tối của mùa đông lạnh buốt sương. Thấy Thầy chịu khó khổ tu hành, tôi thương Thầy tôi lắm, nhiều khi nước mắt tôi chảy ướt đầm đìa. Tôi không hiểu lòng tôi thương Thầy nhiều như thế nào, nhưng tôi khóc vì tôi biết Thầy thương tôi.
Mài miệt tu hành nhiều đêm không nghỉ ngơi. Ôi! Chỉ có những bậc tu hành cầu giải thoát mới làm được những việc phi thường như vậy. Đúng vậy, tôi thấy Thầy ít ngủ lắm.
Hằng ngày tôi không thấy Thầy tiếp khách, dường như Thầy không có bạn bè thân hữu. Suốt thời gian dài 8, 9 năm trời tôi chưa từng thấy có một vị Tăng, Ni hay một người cư sĩ lạ nào đến thăm Thầy cả. Thậm chí có những cô bác ở gần chùa đến viếng Phật cúng bái, lạy lễ, Thầy tôi cũng ít tiếp giao với họ. Đôi khi có một vài cô bác ở gần cùng xóm đến mời thỉnh Thầy đi cầu an, cầu siêu. Thầy khéo léo từ chối không chấp nhận cầu an, cầu siêu tại nhà hay tại chùa cho ai cả. Thầy nhất định không làm những điều mê tín ấy, nhất là không cúng sao giải hạn, không xem ngày giờ tốt xấu cất nhà, cất cửa, dựng vợ, gả chồng hoặc xây mồ mả.
Trong chùa, Thầy không có tụng kinh, chỉ có tu tập xả tâm, ly tham, sân, si, mạn, nghi. Ở đây, Thầy sống không giống như các chùa khác. Những chùa khác ngày đêm bốn thời công phu, chuyên tụng niệm, cầu cúng hoặc ngồi thiền hoặc niệm Phật, trống mõ, chuông ầm ĩ, còn Thầy tôi thì không, bốn thời ngày đêm lo tu tập xả tâm, không tụ hợp nói chuyện với một ai hết.
Dường như Thầy thích sống một mình, đến bây giờ tôi mới hiểu đó là phương pháp phòng hộ 6 căn, chính nó cũng là bí quyết thành công của thiền định, mà duy nhất chỉ có Thầy tôi là người mới giữ gìn trọn vẹn.
Những ngày đầu Thầy tôi mới về sống bên cạnh bà nội tôi thì Thầy bắt tay vào việc cất thất. Sau khi cất thất xong thì Thầy liền tiếp tay làm kinh tế với cô Út. Đất nước đang lúc chiến tranh quyết liệt, nên chỉ có nghề thủ công nghiệp mới sống được. Do đó, Thầy chế ra máy tiện cán dao, dao nhỏ, dao lớn, kế tiếp Thầy làm máy ép dầu thảo mộc, rấm khoai mỳ làm bột ngọt, tạo ống che ép mía làm đường, v.v..
Sau khi tạo ra những dụng cụ làm kinh tế gia đình xong, Thầy lại tiếp tục độc trú tu tập.
Từ khi vào thất tôi không thấy Thầy đi ra khỏi hàng rào chùa, có khi suốt ngày Thầy cũng không ra khỏi cửa thất, luôn luôn nỗ lực kiên trì tu tập, giờ tu, giờ làm việc rất rõ ràng, minh bạch.
Làm tiểu thủ công nên ở trong phòng nhỏ vẫn làm được. Thầy sản xuất cán dao loại lớn, loại nhỏ làm thành phẩm, cô Út chỉ có việc đem ra chợ tiêu thụ mà thôi. Nhờ vậy mà kinh tế gia đình được ổn định.
Thầy không chủ trương “nhứt nhật bất tác, nhứt nhật bất thực” như Tổ Bách Trượng, nhưng hoàn cảnh của Thầy không cho phép Thầy ăn không ngồi rồi để tu tập. Vì vậy, Thầy phải vừa làm để sống mà vừa tu tập, nhất là tu pháp tri vọng của Hòa thượng Thanh Từ thì lại gian nan và vất vả vô cùng. Vì làm mà phải nhiếp tâm không có vọng tưởng theo pháp biết vọng liền buông thì thật là khó. Theo pháp tu tập này thì phải có giờ giấc ngồi thiền, chăn trâu, luôn luôn giữ gìn ông chủ, chứ còn làm việc để sống thì pháp chăn trâu và giữ gìn ông chủ sẽ không thể tu tập và làm được.
Khi kinh tế gia đình được ổn định thì Thầy dừng lại mọi việc làm, chỉ còn một việc duy nhất là tu tập. Trong thời gian này tôi thấy Thầy ngồi thiền ngày đêm không nghỉ ngơi, cơ thể Thầy gầy đi nhiều, râu, tóc Thầy không cạo nữa. Trông Thầy giống như ông cụ non vì Thầy là một tráng niên, râu tóc Thầy đen bóng không có một sợi râu, sợi tóc nào bạc cả. Thầy ngồi thiền trông giống như một ông Tiên ngồi tịnh tâm.
Có một thời gian tôi thấy Thầy ngồi bất động hơn 2 tháng trời, không ăn, không uống, không đi tiểu, đi đại. Lúc bấy giờ bà nội tôi rất lo lắng, thường đến thất thăm Thầy, bà khóc vì lòng thương con. Sau thời gian đó Thầy ra thất, lúc này tôi không thấy Thầy ngồi thiền nữa. Thầy thường ngồi tựa cửa thất nhìn trời bao la và hay đi kinh hành chậm chạp vào lúc đêm khuya khoắt như trên đã nói. Ban ngày thì Thầy làm việc giúp cô Út tôi lo đời sống cho bốn người: Bà nội tôi, Thầy, cô Út và tôi. Thầy làm dao và cán dao. Thầy vừa làm vừa tu nhưng lúc bấy giờ tôi đâu có hiểu. Tôi chỉ biết là Thầy có thay đổi cách tu. Sau này tôi mới hiểu “tu là sống, sống là tu”, đó là phương pháp xả tâm qua thân hành niệm, khẩu hành niệm và ý hành niệm. Nghĩa là mọi nơi, mọi lúc, mọi công việc làm đều không lìa pháp tu, tu là chánh, làm là phụ, tu là tu xả tâm tham, sân, si, mạn, nghi, chứ không phải tu ngồi bất động không vọng niệm như Đại thừa và Thiền Đông Độ. Cho nên, “cuộc sống không lìa sự tu, mà sự tu không lìa cuộc sống”.
Ngay trong việc làm mà biết xả tâm là an vui trong việc làm, đó là giải thoát.
Ngay trong hoàn cảnh, bất cứ hoàn cảnh nào, dù thuận hay nghịch mà biết xả tâm, mà biết sống thuận đạo lý nhân quả không làm khổ mình khổ người, thì đó là giải thoát.
Ngay trong gia đình sống chung với mọi người thân mà biết xả tâm tức là biết nhẫn nhục, tùy thuận, vui lòng, biết tha thứ, biết thương yêu và hòa hợp với nhau, thì đó là giải thoát.
Ngay trong bệnh khổ mà biết xả tâm, tức là biết giữ gìn tâm thanh thản, an lạc và vô sự thì ngay đó bệnh khổ sẽ chấm dứt, đó là giải thoát.
Cho nên, Thầy tôi vừa lao động sản xuất vừa xả tâm theo phương pháp chánh niệm tĩnh giác câu hữu với pháp Như Lý Tác Ý của Phật Giáo Nguyên Thủy.
Cuối cùng, Thầy tôi đã thành công trên pháp môn này. Vì sao tôi biết được như vậy?
Tôi biết được không phải vì Thầy thị hiện thần thông; không phải vì Thầy ngồi thiền nhiều.
Tôi biết được là vì Thầy đã làm chủ được bệnh, Thầy đã nhiều lần dùng pháp môn Như Lý Tác Ý đẩy lui bệnh nơi thân của Thầy, Thầy không bao giờ dùng thuốc thang.
Tôi biết được là vì Thầy không còn ham muốn một vật gì trên thế gian này, từ món ăn, thức uống đến y áo, Thầy không có thích món nào cả, có thì ăn, không có thì thôi, Thầy ăn rất ít, không bao giờ thấy Thầy đòi ăn thức ăn này hay thức ăn kia.
Tôi biết được là vì Thầy không còn sân hận một ai, tâm Thầy như cục đất, ai nói gì thì lúc nào Thầy cũng tùy thuận vui lòng, không có sự phản ứng, dù ai chửi mắng hay nói xấu Thầy một điều gì thì Thầy vẫn thản nhiên.
Tôi biết được là vì Thầy không muốn nhận một quyền hành nào cả, Thầy chỉ có một lòng thương yêu và tha thứ mọi người như Thầy đã thường nói:
“Những buổi chiều tà mưa phủ trắng
Thầy cười tha thứ kẻ vong ân”.
Sống gần bên Thầy tôi biết Thầy rất nhiều nhưng làm sao ghi hết được. Phải không các bạn? Vì đức hạnh cao thượng tuyệt vời của một bậc tu hành xả tâm, sống không làm khổ mình khổ người, thật khó có bút mực nào tả được những đức hạnh ấy.
Đến đây tôi xin dừng bút. Chúc các bạn sống thanh thản, an lạc và vô sự!
Thân ái chào các bạn!
THÔNG TIN TÁC GIẢ
BÌNH LUẬN
VIẾT BÌNH LUẬN
THÔNG TIN BỔ SUNG
-
Tác giả
Thích Mật Hạnh
-
Đối tượng
Trưởng lão Thích Thông Lạc
-
Xuất bản trong
Đặc San Kỷ Niệm Sinh Nhật Thầy Năm 2004
-
Thời gian
17/9/2004
-
Khổ giấy
13 x 20.5 cm
-
Số trang
15
-
Thể loại
Tiểu sử
-
Dữ liệu
file pdf, epub
-
Ngôn ngữ
Tiếng Việt
-
Phù hợp cho
Máy tính, máy tính bảng, smartphone
Trịnh Ngọc Tâm
Thật may mắn khi được học và hành theo pháp mà Trưởng Lão đã dựng lại
Ban biên tập
“Cuộc sống không lìa sự tu, mà sự tu không lìa cuộc sống.” (Trưởng lão Thích Thông Lạc)
Phạm Văn Ngạn
Một tấm gương Đức Hạnh, Ý chí bất tử, Nhân cách Cao thương, Tình yêu thương rộng lớn – Thực sự tận Tâm chi ân Công Đức của Thầy, Trưởng Lão Thích Thông . Lạc . Nhân loại, nhân dân trên toàn thế giới sẽ học tập và noi gương Thầy.