NỘI DUNG MÔ TẢ
Hôm nay là ngày đầu xuân, là ngày Tết, ngày mà những đứa con Phật phải trân trọng ngồi lại để lắng lòng mình trong sạch, để quán xét tăng trưởng và bảo vệ các thiện pháp; để chấm dứt và loại trừ các ác pháp; thân, khẩu, ý phải thanh tịnh, phải thuần thiện. Hành động cao quý đầy cung kính đó mới chúc thọ Thầy và mừng tuổi Phật được, đó mới đúng nghĩa chúc thọ trong mùa xuân vĩnh cửu.
Quý bạn đọc vui lòng chọn định dạng pdf hoặc epub, rồi nhấn nút “Đọc” ở trên để đọc toàn bộ nội dung tư liệu. Dưới đây là trích đoạn:
MÙA XUÂN VĨNH CỬU
“Hôm nay, quý thầy đã đủ duyên lành được gặp thầy nơi cái đất Trảng Bàng cằn cỗi, không có núi to, sông rộng mà cũng không có đất đai màu mỡ như ở nơi khác. Ở đây, không phải là nơi để hướng dẫn và đào tạo những bậc xuất chúng siêu quần nhưng dù sao cũng có đủ duyên lành quý thầy đã được gặp Thầy thì không ít thì nhiều, Thầy cũng chỉ dạy và hướng dẫn chỉ đường cho quý thầy đi tìm một mùa xuân vĩnh cửu – một mùa xuân mà hằng muôn, hằng vạn người ước mơ.”
…
“Từ lâu, tâm hồn của quý thầy đã bị ngăn cách bởi không gian và thời gian của mùa xuân thế tục, cũng vì thế mà quý thầy đã lầm lạc nhận mùa xuân thế tục làm mùa xuân vui đẹp của đạo mà quên mất mình trong mùa xuân bất diệt, mùa xuân vĩnh cửu của Đạo Phật.”
…
“Này quý thầy! Hôm nay quý thầy mời Thầy đến đây để mừng tuổi thọ của Thầy, để chúc thọ Thầy. Đừng! Đừng! Quý thầy đừng! Đừng làm những điều thế gian đó, nó không đúng là con đường của Đạo Phật đâu. Quý thầy có nhận xét, có thấy điều đó đúng như vậy không? Ngày mà quý thầy cùng mọi người trên thế gian này gọi là mừng xuân, vui xuân, mừng tuổi, chúc thọ; ngày mà quý thầy áo quần chỉnh tề cũng giống như mọi người khác để đón giao thừa, để mừng năm mới; ngày ấy quý thầy có chịu khó để ý một chút, một chút mà thôi, quý thầy sẽ thấy ngày ấy là ngày tang thương, sầu khổ và đau đớn nhất của các loài vật, nhất là loài gia súc; ngày đó là ngày gà, vịt, heo, dê, trâu, bò, cá, tôm, sò, hến… được đem ra giết để lấy thịt, làm thịt, làm thực phẩm để ăn mừng năm mới, để đón xuân về chúc tuổi thọ cho nhau.
Quý thầy phải hiểu việc làm này thật là mâu thuẫn. Đoản mạng loài vật lấy thịt ăn mừng, vui chơi thỏa thích gọi là chúc mừng tuổi thọ, để được sống lâu muôn tuổi. Xét cho kỹ quý thầy sẽ thấy rõ những việc làm này rất là độc ác, vậy mà chúc thọ để thọ cho lâu và để tiếp tục làm những điều ác độc cho nhiều thì thử hỏi việc làm này có thọ được không? Chỉ việc làm ác độc mà không thấy ác độc, còn lại vui chơi trên đau khổ, trên sự chết chóc, trên xương máu, trên tiếng kêu la thảm thiết, trên sự giãy giụa, lăn lộn, quằn quại đau thương trên bàn tay của con người.
Quý thầy là những người tu sĩ trong đạo từ bi mà chẳng có một chút lòng thương xót nào chăng?! Quý thầy là những người tu hành theo đạo từ bi mà lại còn a dua vui theo những cái phong tục tập quán của con người độc ác, của loài người độc ác; sát hại sinh linh thì còn gì là đạo từ bi, thì còn gì gọi là vui xuân chúc thọ, phải không hỡi quý thầy?
Bởi ngày Tết của loài người là ngày đau khổ thương xót cho loài súc sanh vì nghiệp nợ máu mà chúng phải đền, vì nghiệp ác mà chúng phải trả. Nếu hiểu biết được ngày đó là ngày khổ đau thì quý thầy đừng có vui cười mà hãy nhỏ từng giọt nước mắt thương xót cho tất cả các loài chúng sanh, chúng đã vì vô minh mà giết hại lẫn nhau.
Mọi người đâu biết, họ đang giết cha, mẹ, anh, chị và em của họ để vui mừng tuổi thọ của họ. Họ đâu có biết nên họ ăn thịt lẫn nhau mà còn vui đùa, cười cợt thỏa thích trên đống xương máu thịt của nhau. Ngày đó là ngày tang tóc, là ngày đau khổ cho những người có trí tuệ thấy biết rõ sự vô minh kia che khuất khiến cho mọi người mê mờ, giết hại lẫn nhau mà không biết, vì thế mà họ không còn có chút lòng thương yêu nhau. Bởi người hiểu biết thấy rõ thì thật là thương tâm, vì thế mà không thể nào Thầy ngồi làm thinh để cho quý thầy còn vui theo như vậy được nữa.
Bây giờ quý thầy đã biết rõ rồi thì quý thầy có còn vui theo những phong tục đó nữa hay không? Có còn đón xuân chúc tuổi thọ nữa hay không? Đạo Phật là đạo từ bi, làm sao chấp nhận những phong tục có nhiều sự độc ác, có nhiều sự ích kỷ đó được. Hướng cho mình được tuổi thọ sống lâu và nhiều hạnh phúc an vui, ngược lại, lại cướp mạng sống của kẻ khác, lại lấy sự đau khổ của kẻ khác làm ngày vui cho chính mình để cầu tuổi thọ cho chính mình thì quý thầy suy nghĩ, chúc tuổi thọ, mừng tuổi thọ theo những phong tục này có được kết quả chăng?
Luật nhân quả quý thầy phải xét kỹ, làm một điều ác thì phải gặt lấy những quả khổ, làm một điều thiện thì gặt hái những quả vui. Vậy, ở trên luật nhân quả thì ngày xuân, ngày Tết mà quý thầy đang tổ chức vui mừng thì sẽ gặt hái những quả gì? Nhân đoản mạng chúng sanh, nhân độc ác, nhân bất thiện thì quả phải yểu tử, thì phải khổ đau. Vì thế, Đức Phật dạy chúng sanh toàn là vô minh, là đui mù nên không bao giờ thấy được mùa xuân vĩnh cửu.
Hôm nay, quý thầy là những người đệ tử của Phật, quý thầy đừng bịt tai, bịt mắt để chạy theo thế gian tục, đừng vui chơi dục lạc thế gian trong những ngày này. Dục lạc thế gian rất là ngắn ngủi, vui đó khổ đó chỉ trong chớp mắt là đã tan biến như mây khói. Bởi thế gian một năm của con người rất là ngắn ngủi, đó chỉ là một chu kỳ của trái đất mà thôi. Bởi người tu sĩ Phật giáo phải sống như Thiền Lão, chẳng biết ngày tháng năm, tức là vượt không gian và thời gian, như vậy mới có thể gọi là sống trong mùa xuân vĩnh cửu, mùa xuân bất diệt.
Quý thầy có khi nào tự nghĩ trong lúc chúng ta vui xuân mừng tuổi thọ thì súc vật khổ đau và tủi thân không? Quý thầy có khi nào tự nghĩ rằng khi loài người vui đùa, cười cợt, chè chén thỏa thích thì trong khi đó các loài vật đang giãy giụa, khổ đau, lăn lộn, rên la trên thớt dưới dao, máu đổ thịt rơi chăng? Có khi nào quý thầy nghĩ rằng ngày vui xuân, ngày Tết nhất của loài người là ngày tang tóc, thê lương, ảm đạm, chết chóc của loài vật chăng? Rồi có khi nào quý thầy tự nghĩ rằng, ngày Tết, ngày xuân mà mọi người đang tổ chức là ngày hạnh phúc an vui, hay là ngày đau khổ, lo lắng, ưu tư, sầu khổ của con người chăng? Có bao giờ quý thầy tự suy nghĩ như vậy không?
Này quý thầy! Chúng ta phải xét, chỗ này vui chỗ kia khóc. Đây là đối với con người với con người thì cái vui đó có trọn đầy không hỡi quý thầy! Chỗ này no, chỗ kia đói thì cái vui đó có vui được không hỡi quý thầy! Bởi vậy, Phật dạy người cư sĩ cũng như người tu sĩ đừng giết hại chúng sanh, đừng thấy người giết hại mà vui theo, đừng sai bảo người giết hại, phải từ bỏ sự giết hại, phải từ bỏ sự vui theo người giết hại. Tất cả những điều giết hại là nhân đoản mạng của chúng ta. Sau này chúng ta sẽ thọ quả yểu tử mà đã yểu tử thì không bao giờ được sống lâu trên đời này.
Đứng trên luật nhân quả mà suy xét cho kỹ, tại sao con người muốn sống lâu trăm tuổi và hơn nữa và còn muốn sống lâu hơn nữa mà tại sao lại cầm dao cắt cổ, nhổ lông, đập đầu, thọc huyết các loài chúng sanh, không sợ luật nhân quả hay sao? Nó không tư vị một ai. Nếu làm ác phải thọ chịu khổ, nếu đoản mạng chúng sanh phải sống yểu tử. Các thầy phải hiểu luật nhân quả là như vậy.
Bây giờ quý thầy đã được nghe giảng đến đây, quý thầy có còn vui xuân, chúc thọ và mừng tuổi như vậy nữa hay không? Quý thầy nên biết nỗi mừng vui của chúng ta vô tình đã tạo nhân ác, rồi đây chúng ta phải thọ khổ, sự vui của con người chẳng mấy lát mà sự khổ thì vô cùng tận. Nhân nào quả nấy. Vì thế, sự vui của chúng ta luôn có những sự đau khổ, bằng chứng sau những ngày Tết thì cuộc sống đâu cũng hoàn đấy, chỉ còn lại một chuỗi ngày dài thê lương đầy lo âu, sợ hãi, đói rét, bệnh tật và nhiều thứ tai nạn đau khổ đến. Cuộc sống ác độc của loài người nên nghiệp quả khổ đau đang đè nặng trên cuộc đời của họ. Nếu mà họ đã biết chỗ này chấm dứt chiến tranh, chỗ kia chiến tranh bùng nổ khắp trên thế giới, lúc nào, giờ nào cũng có chiến tranh, tại làm sao? Tại vì con người quá ác độc, lấy ngày vui cho chính mình lại là ngày thảm khốc cho các loài khác. Bởi vậy, con người chỉ biết cười khi thỏa mãn dục lạc và chỉ biết khóc khi không thỏa mãn dục lạc, khi tai nạn bệnh tật đến.
Vậy hôm nay quý thầy đã hiểu rõ ý nghĩa Tết nhất đón xuân mừng tuổi thọ của con người trên thế gian này là độc ác, là một chuỗi ngày liên tục khổ đau của kiếp người, là một chuỗi ngày dài nối tiếp tâm độc ác của loài người, mà cũng chính vì thế tuổi thọ của con người bị ngắn ngủi đi.
Hôm nay, Thầy sẽ đưa đường dẫn lối cho quý thầy đi tìm một mùa xuân vĩnh cửu, một mùa xuân không có giờ nào, ngày nào, tháng nào, năm nào mà không có xuân, không có an vui hạnh phúc. Vậy con đường thực hiện một mùa xuân vĩnh cửu, một mùa xuân an lạc hạnh phúc cho muôn loài là phải thực hiện một mùa xuân như thế nào?
Này quý thầy! Quý thầy hãy lắng nghe cho kỹ, để hiểu cho rõ ràng để mà thực hành đúng lời dạy của Thầy. Nhớ lời dạy này quý thầy không được hành sai, phải hành cho thật đúng. Trước khi theo Thầy, để khơi dậy một mùa xuân hạnh phúc và an lạc thì quý thầy phải để ý đến điều quan trọng độc nhất và tối thượng đang chi phối mọi hoàn cảnh cuộc sống con người đó là luật nhân quả. Luật nhân quả có hai phần rõ rệt: Một, nhân ác quả khổ; hai, nhân thiện quả phước.”
…
“Do đó, người tu hành theo Đạo Phật thì phải giữ gìn hành động thân, khẩu, ý không cho tạo tác nhân thời vị lai. Thời vị lai không có quả, nghĩa là vị lai không có tái sanh đối với pháp môn tu hành của chúng ta hiện giờ. Thân, khẩu, ý luôn luôn được giữ gìn trong hơi thở, trong trạng thái thanh tịnh thì nơi đó không còn nhân quả, mà không còn nhân quả thì không có tái sanh luân hồi, tức là chấm dứt tái sanh.
Vậy hiện giờ chúng ta đang tu hành là giữ gìn cái gì? Giữ gìn thân, khẩu, ý, giữ gìn thân, khẩu, ý để làm gì? Để không còn gieo nhân, mà không còn gieo nhân tức là chấm dứt tái sanh luân hồi, đó là mùa xuân vĩnh cửu.”
…
“Tóm lại, để kết thúc buổi nói chuyện hôm nay. Hiện giờ, quý thầy đã nhận rõ đường lối và phương hướng tu hành của Đạo Phật. Vậy, từ đây quý thầy phải lấy giới luật làm nền tảng vững chắc cho con đường tu của mình. Đừng bao giờ vì dục lạc thế gian mà phạm giới thể; đừng bao giờ vì dục lạc thế gian mà biến Phật giáo thành Thần giáo; đừng bao giờ vì dục lạc thế gian mà biến ông Phật thành ông Thần.”
…
THÔNG TIN TÁC GIẢ
BÌNH LUẬN
VIẾT BÌNH LUẬN
THÔNG TIN BỔ SUNG
-
Tác giả
Trưởng lão Thích Thông Lạc
-
Đối tượng
Tu sinh Tu viện Chơn Như
-
Thời gian
23/1/1993
-
Khổ giấy
13x20,5 cm
-
Số trang
52
-
Thể loại
Bài giảng
-
Dữ liệu
File pdf, epub
-
Ngôn ngữ
Tiếng Việt
-
Phù hợp cho
Máy tính, máy tính bảng, smartphone
Ban biên tập
“LUẬT NHÂN QUẢ quý thầy phải xét kỹ, LÀM MỘT ĐIỀU ÁC THÌ PHẢI GẶT LẤY NHỮNG QUẢ KHỔ, LÀM MỘT ĐIỀU THIỆN THÌ GẶT HÁI NHỮNG QUẢ VUI. Vậy, ở trên luật nhân quả thì ngày xuân, ngày Tết mà quý thầy đang tổ chức vui mừng thì sẽ gặt hái những quả gì? NHÂN ĐOẢN MẠNG CHÚNG SANH, nhân độc ác, nhân bất thiện thì QUẢ PHẢI YỂU TỬ, thì PHẢI KHỔ ĐAU. Vì thế, Đức Phật dạy chúng sanh toàn là vô minh, là đui mù nên không bao giờ thấy được mùa xuân vĩnh cửu.” (Trưởng lão Thích Thông Lạc)
Ban biên tập
“Mọi người đâu biết, họ đang giết cha, mẹ, anh, chị và em của họ để vui mừng tuổi thọ của họ. Họ đâu có biết nên HỌ ĂN THỊT LẪN NHAU mà còn VUI ĐÙA, CƯỜI CỢT THỎA THÍCH TRÊN ĐỐNG XƯƠNG MÁU THỊT CỦA NHAU. Ngày đó là NGÀY TANG TÓC, là NGÀY ĐAU KHỔ CHO NHỮNG NGƯỜI CÓ TRÍ TUỆ thấy biết rõ sự vô minh kia che khuất khiến cho mọi người mê mờ, GIẾT HẠI LẪN NHAU MÀ KHÔNG BIẾT, vì thế mà họ không còn có chút lòng thương yêu nhau. Bởi người hiểu biết thấy rõ thì thật là thương tâm, vì thế mà không thể nào Thầy ngồi làm thinh để cho quý thầy còn vui theo như vậy được nữa.” (Trưởng lão Thích Thông Lạc)
Ban biên tập
“Bởi ngày Tết của loài người LÀ NGÀY ĐAU KHỔ THƯƠNG XÓT CHO LOÀI SÚC SANH vì NGHIỆP NỢ MÁU MÀ CHÚNG PHẢI ĐỀN, vì NGHIỆP ÁC MÀ CHÚNG PHẢI TRẢ. Nếu hiểu biết được ngày đó là ngày khổ đau thì quý thầy đừng có vui cười mà HÃY NHỎ TỪNG GIỌT NƯỚC MẮT THƯƠNG XÓT cho tất cả các loài chúng sanh, chúng đã vì vô minh mà giết hại lẫn nhau.” (Trưởng lão Thích Thông Lạc)
Ban biên tập
“Đứng trên luật nhân quả mà suy xét cho kỹ, tại sao con người muốn sống lâu trăm tuổi và hơn nữa và còn muốn sống lâu hơn nữa mà tại sao lại cầm dao cắt cổ, nhổ lông, đập đầu, thọc huyết các loài chúng sanh, không sợ luật nhân quả hay sao? Nó không tư vị một ai. Nếu làm ác phải thọ chịu khổ, nếu đoản mạng chúng sanh phải sống yểu tử. Các thầy phải hiểu luật nhân quả là như vậy.” (Trưởng lão Thích Thông Lạc)