Ngày đăng  

07/09/2022, 22:15

NỘI DUNG MÔ TẢ

Trưởng lão Thích Thông Lạc đã dạy: “Chánh pháp còn hay mất không phải do Thầy, Thầy không có trách nhiệm bảo vệ nó, mà trách nhiệm bảo vệ nó là các con và chúng sanh, vì đó là quyền lợi của các con, của chúng sanh, chứ Thầy chẳng có quyền lợi gì trong đó nữa vì Thầy đã tu xong. Chỉ vì thương xót các con và chúng sanh mà Thầy ra công dựng lại giáo pháp chân chánh của Đạo Phật để giúp các con và chúng sanh mà thôi, còn chánh pháp này mất hay còn là do các con và chúng sanh”.
Trưởng lão Thích Thông Lạc

Quý bạn đọc vui lòng chọn định dạng pdf hoặc epub, rồi nhấn nút “Đọc” ở trên để đọc toàn bộ nội dung tư liệu, hoặc xem trực tiếp như sau:

GIỚI THIỆU PHIÊN BẢN MỚI
THƯ VIỆN THẦY THÔNG LẠC

Kính gửi quý bạn đọc!

“Không có gì khó khăn khi đưa ra, vất vả khi tiến hành, gặp nhiều bất trắc và đầy hiểm nguy như khi đi đầu một lĩnh vực mới”, lời nói của một nhà công nghệ khiến chúng tôi suy ngẫm về quá trình dựng lại chánh pháp của Trưởng lão Thích Thông Lạc với nhiều gian nan sóng gió muôn trùng, nhưng Thầy vẫn vững tay chèo lái con thuyền đạo đức nhân quả, sống không làm khổ mình khổ người cập bến bình an.

Cách đây gần 400 năm, Galileo là một nhà Thiên văn học, Vật lý học, Toán học và Triết học người Ý, người đóng vai trò quan trọng trong cuộc cách mạng khoa học, đã quan sát thấy Trái đất quay xung quanh Mặt trời, từ đó ông ủng hộ thuyết Nhật Tâm. Tuy nhiên trong thời kỳ Galileo sinh sống, quan điểm Địa Tâm coi Trái đất là trung tâm của vũ trụ và luôn đứng yên đã thống trị từ thời Aristoteles, nên khi Galileo trình bày thuyết Nhật Tâm, nó như là một sự xúc phạm đối với Giáo hội Công giáo Roma, vì thế Galileo đã bị đưa ra trước tòa án dị giáo để xét xử, bị ép buộc phải chấp nhận rằng Trái đất đứng yên và là trung tâm của vũ trụ. Nhưng khi bước ra khỏi tòa án, ông đã nói: “Nhưng dù sao Trái đất vẫn quay”.

Rõ ràng, Trái đất quay xung quanh Mặt trời là một sự thật, chứ không phải là đứng yên như thuyết Địa Tâm, nhưng khi Galileo đưa ra quan điểm của mình từ 400 năm trước, ông đã vấp phải một lực cản từ định kiến của Giáo hội Roma, khiến cho ông bị chống đối rất nhiều. Ông sống những ngày cuối đời trong cảnh mù lòa và bị quản thúc tại gia theo lệnh của Tòa án dị giáo La Mã.

Hơn 300 năm sau, Giáo hoàng La Mã đã công nhận rằng Galileo đã đúng, nhà thờ cũng đã giải tội cho ông.
Cho nên, việc đưa ra một nhận thức mới dù đúng đắn là không hề dễ dàng, thậm chí phải trả cái giá rất đắt bằng cả cuộc sống, sinh mạng của mình.

Năm 1878, nhà phát minh thiên tài Thomas Edison (1847-1931) nghiên cứu bóng đèn dây tóc nhưng không mấy ai quan tâm, họ cho rằng thứ ánh sáng đó trái với tự nhiên. Nhiều người còn ví đèn dây tóc giống như những đốm sáng ma trơi và chỉ có thể sử dụng trong truyện cổ tích.

Một ủy viên của Nghị viện Mỹ từng phát biểu: “Bóng đèn của Edison chỉ hữu dụng ở phía bên kia Đại Tây Dương, không phải nước Mỹ”.

Theo thời gian, người ta cũng phải thừa nhận những giá trị mà bóng đèn mang lại. Đến nay, bóng đèn điện đã trở thành thứ không thể thiếu trong cuộc sống con người.

Như vậy, khi một phát minh mới dù hữu ích, nhưng trái với nhận thức và thói quen định kiến của con người đương thời đã trở thành cố hữu, thì nó sẽ bị nghi ngờ, chống đối, khiến cho cha đẻ của phát minh đó phải rất vất vả khi phổ cập những điều mới mẻ này đến với mọi người, thậm chí có người còn không chờ nổi tới ngày mà phát minh của mình được chấp nhận rộng rãi.

Đó là những phát minh đơn lẻ trong các lĩnh vực của đời sống mà sự ra đời rất khó khăn, huống hồ là cuộc cách mạng về tư tưởng nhân loại được Đức Phật khởi xướng và Trưởng lão Thích Thông Lạc là người dựng lại chánh pháp, tiếp nối ngọn đèn giải thoát mà Đức Phật đã thắp sáng.

Hơn 2500 năm trước, Đức Phật, một người Ấn Độ tại nước Nepal đã chứng đạt sự giải thoát, làm chủ sanh, già, bệnh, chết, chấm dứt tái sanh luân hồi, tìm ra chân lý Tứ Diệu Đế, làm đảo lộn tư tưởng của con người thời đó, lật nhào 62 luận thuyết của ngoại đạo, tạo nên cơn chấn động về nhận thức của loài người. Dưới thời bộ lạc, khi nạn mê tín, thần quyền, phân hóa giai cấp nặng nề trong xã hội Ấn Độ thời bấy giờ, nên Đức Phật đã gặp rất nhiều khó khăn trên bước đường giáo hóa. Ngoại đạo, một vài đệ tử và một số người thân trong gia đình của Đức Phật đều muốn hại Phật, nên cho voi say, lăn đá, vu khống Phật với phụ nữ, v.v.. Lịch sử còn ghi đậm nét đau thương ấy, những vết thương đau ấy còn mãi muôn đời mà không ai không biết.

Ngày nay, vào cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21 này, tại Trảng Bàng – Tây Ninh, quê hương Việt Nam, Thầy của chúng ta, Trưởng lão Thích Thông Lạc, bậc chân tu, tu hành giải thoát như Phật, lại một lần nữa tạo nên cơn địa chấn làm rung chuyển toàn bộ nhận thức của các tôn giáo và hệ tư tưởng đương thời, đem lại nhận thức đúng đắn về thế giới quan và nhân sinh quan cho toàn thể nhân loại. Đây là cuộc cách mạng vĩ đại về tư tưởng và phương cách sống mà đã hơn 25 thế kỷ qua bị che mờ bởi tà giáo ngoại đạo kể từ sau khi những Thánh đệ tử cuối cùng của Đức Phật nhập diệt.

Trưởng lão Thích Thông Lạc đã tu hành xong, làm chủ hoàn toàn sanh, già, bệnh, chết vào ngày 17/10/2980 Dương lịch (tức ngày 9/9/1980 Âm lịch), nghĩa là mọi dục lạc không còn cám dỗ được Thầy, bệnh tật, già yếu không còn tác động được vào tâm của Thầy, Thầy muốn sống là sống, muốn chết là chết dễ như trở bàn tay, Thầy vẫn sống bình thường nhưng phi thường vì tâm Thầy bất động trước mọi ác pháp và cảm thọ.

Sự thành công làm chủ giặc sanh tử của Thầy mở màn cho công cuộc chấn hưng giáo pháp chân chánh của Đức Phật Thích Ca, thắp sáng lên nền đạo đức nhân bản – nhân quả, sống không làm khổ mình khổ người cho nhân loại trên hành tinh này.

Bằng kinh nghiệm thực chứng của mình với trí tuệ không bị không gian và thời gian che khuất, Thầy chỉnh đốn những điều sai trái trong Đạo Phật, gióng lên tiếng rống sư tử chúa, thức tỉnh mọi người trở về với con đường chân chánh của Đạo Phật mà bấy lâu nay mọi người vẫn lầm lạc trong rừng kinh sách phát triển được gán nhãn hiệu Phật giáo.

Một kho tàng pháp bảo quý giá vô cùng, vô tận, thế mà bị mai một chôn vùi dưới lớp giáo pháp mê tín, lạc hậu, dị đoan của tà giáo ngoại đạo đã hơn 2500 năm.

Chánh pháp của Phật là một chân lý, là một nền đạo đức nhân bản – nhân quả của loài người, giúp cho con người sống với nhau mà không làm khổ mình khổ người. Con người tuy có duyên được gặp Đức Phật ra đời truyền trao cho chánh pháp, nhưng chưa đủ phước báu để thọ hưởng giáo pháp ấy nên khiến cho tà giáo ngoại đạo phủ kín, vì vậy mà không còn ai biết đường lối tu tập giải thoát như thế nào.

Bởi Phật pháp là để cho người hữu duyên đầy đủ phước báu, chứ không thể để cho người thiếu duyên, thiếu phước. Thế nên, chúng sanh thiếu duyên, thiếu phước, vì thế giáo pháp chân chánh mới bị chôn vùi hơn 2500 năm tính từ khi Đức Phật ra đời cho đến nay.

Vào cuối thế kỷ 20 này mới có một người tu chứng đạo, đó là Trưởng lão Thích Thông Lạc. Nhờ có Thầy tu chứng đạo nên mới mang ánh sáng chánh pháp của Phật soi rọi, đánh thức mọi người, đấy cũng là lúc chúng sanh đã đủ duyên đủ phước vì biết sống theo khoa học, chọn lối sống thực tế, cụ thể hơn, xả bỏ xa lìa lối sống mê tín dị đoan lạc hậu, v.v.. không còn tin tưởng vào thế giới siêu hình, nên chánh pháp của Phật mới dựng lại được. Nếu không có con người sống thực tế khoa học, mà cứ sống trong mê tín thần quyền thì chánh pháp của Phật vẫn phải tiếp tục bị chôn vùi.

Dựng lại chánh pháp là triển khai Tứ Diệu Đế, bốn chân lý bất di bất dịch của con người, chỉ thẳng sự thật khổ là do tâm tham, sân, si; nguyên nhân của khổ là do lòng ham muốn; trạng thái tâm không tham, sân, si là giải thoát, là Niết Bàn mà Trưởng lão Thích Thông Lạc đã sử dụng danh từ thanh thản, an lạc, vô sự để mô tả trạng thái này; con đường giải thoát là chương trình giáo dục đào tạo gồm có 8 lớp Bát Chánh Đạo, chia làm ba cấp học Giới – Định – Tuệ.

Con người trên thế gian này khổ đau vì ác pháp tham, sân, si, nên thường làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh rất nhiều.

Triển khai chánh pháp chính là triển khai nền đạo đức nhân bản – nhân quả, sống không làm khổ mình khổ người, sống không làm khổ mình khổ người là sống thiện, mà sống thiện là giải thoát, đạt được mục đích tu hành của Đạo Phật.

Muốn hết khổ đau thì phải biết cách ngăn ác diệt ác, sanh thiện tăng trưởng thiện theo lời Đức Phật dạy, tức là triển khai tri kiến giải thoát, triển khai tri kiến giải thoát là dùng ý thức để phân tích, mổ xẻ, thấu hiểu bản chất của các pháp trên thế gian này như thật, để từ đó xả bỏ các chướng ngại pháp trong tâm của mình.

Sự thật của các pháp trên thế gian này đều do duyên hợp mà thành, hết duyên thì tan hoại, sự thành hoại do nhân duyên gọi là nhân quả, cho nên nhân quả chính là quy luật vận hành của các pháp, chứ trên thế gian này không có gì là ta, của ta, bản ngã của ta cả.

Để giúp mọi người hiểu nhân quả như thật, thì Trưởng lão Thích Thông Lạc đã khéo léo thiện xảo vén đám mây mù vô minh đã trở thành thói quen nghiệp lực chi phối tâm của nhiều người, khiến cho họ thiếu sáng suốt nên nhìn nhận thế giới quan và nhân sinh quan theo thiên kiến, định kiến, tà kiến, dục vọng của mình, từ đó họ mới làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh.

Dựng lại chánh pháp là phá bỏ những ảo tưởng về thế giới siêu hình, những tư tưởng mê tín, những pháp môn cầu tha lực đưa đến khổ đau cho con người.

Dựng lại chánh pháp là dựng lại chương trình giáo dục đào tạo gồm có 8 lớp Bát Chánh Đạo chia làm ba cấp học Giới – Định – Tuệ.

Dựng lại chánh pháp là chuyển đổi lối tu ức chế tâm dừng vọng tưởng thành lối triển khai tri kiến giải thoát, xả tâm ly dục ly ác pháp.

Dựng lại chánh pháp là thắp sáng nền đạo đức nhân bản – nhân quả, sống không làm khổ mình khổ người, để mọi người biết cách sống là tu, tu là sống.

Dựng lại chánh pháp là nêu cao tinh thần tự lực cứu mình bằng ngọn đuốc đạo đức nhân quả như Đức Phật đã dạy: “Các con hãy tự thắp đuốc lên mà đi, Ta chỉ là người hướng đạo”.

Dựng lại chánh pháp là xác định Đạo Phật là đạo đức của con người, chứ không phải là tôn giáo, ai sống không làm khổ mình khổ người là giải thoát, là người tu theo Đạo Phật.

Dựng lại chánh pháp là triển khai tri kiến để mọi người biết cách phân biệt pháp nào thiện, pháp nào ác, không làm các pháp ác chỉ làm các pháp thiện, đó là cách sống giải thoát.

Bởi tư tưởng siêu hình, mê tín, thần quyền, tha lực, ức chế tâm đã ngự trị trong tâm tưởng mọi người thành nghiệp lực và thành một truyền thống khó bỏ, vì thế trong quá trình dựng lại chánh pháp, Trưởng lão Thích Thông Lạc phải khéo léo khai thị, giáo dục, chuyển đổi tư tưởng tà kiến của mọi người thành chánh kiến như uốn những cây tre già đã bị cong.

Trong lịch sử loài người, từ thời Đức Phật Thích Ca mãi cho đến hôm nay mới có một bậc tu chứng ra đời sau 25 thế kỷ, đó là Trưởng lão Thích Thông Lạc, người đủ trí tuệ và dũng khí xác định sự thật thế giới siêu hình không có, không có linh hồn, không có quỷ ma, thần thánh, không có cõi địa ngục, thiên đàng, v.v.. và thế giới siêu hình chỉ là thế giới tưởng do tưởng uẩn của con người tạo ra.

Công cuộc dựng lại chánh pháp là cả một quá trình đầy vất vả, gian lao. Biết chúng sanh khó độ, nhưng vì thương mà Thầy tạo duyên giáo hóa nên Thầy phải bao phen vào nguy ra khốn. Thầy luôn đứng trên đầu sóng ngọn gió chèo lái con thuyền chánh pháp, dìu dắt lớp lớp bao thế hệ tu sinh, Phật tử, để những danh từ “Đạo đức nhân bản – nhân quả, sống không làm khổ mình khổ người” đi vào tâm hồn và biến dần thành những hành động sống của mọi người. Từ đó, hành tinh này sẽ có nền đạo đức không làm khổ mình khổ người, những đạo đức sâu mầu, cao thượng, đầy đủ đức hạnh trọn vẹn của một con người, nhờ vậy con người mới bình an sống trên hành tinh này.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã để lại giáo pháp của mình cho chúng sanh đó là làm xong trách nhiệm bổn phận của mình, còn tu hay không tu là trách nhiệm bổn phận của chúng sanh. Cũng như hiện nay Thầy đã dựng lại chánh pháp của Phật là trách nhiệm bổn phận của người tu chứng đã làm xong, còn tin hay không tin là trách nhiệm bổn phận của chúng sanh, chứ không phải của người tu chứng.

Vì lòng thương yêu chúng sanh mà Thầy đã ra công dựng lại chánh pháp, để lại cho nhân loại gương hạnh đạo đức của bậc tu hành giải thoát cao thượng tuyệt vời và nền đạo đức nhân bản – nhân quả, sống không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh. Khi hết duyên, Thầy xả bỏ báo thân, an trú trong trạng thái bất động, thanh thản, an lạc, vô sự vĩnh viễn.

Chánh pháp đã được Thầy triển khai dựng lại!

Chúng con xin hướng về những bậc ân nhân của nhân loại: Đức Phật ở Ấn Độ là người đầu tiên tu hành chứng đạo, làm chủ sanh, già, bệnh, chết, xác định chân lý Tứ Diệu Đế cho con người và truyền dạy phương pháp tu hành giải thoát khổ đau; còn Trưởng lão Thích Thông Lạc ở Việt Nam là người tiếp nối mạng mạch chánh pháp của Đức Phật, thắp sáng lên ngọn đèn đạo đức nhân bản – nhân quả, sống không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh.

Trưởng lão Thích Thông Lạc đã dạy: “Chánh pháp còn hay mất không phải do Thầy, Thầy không có trách nhiệm bảo vệ nó, mà trách nhiệm bảo vệ nó là các con và chúng sanh, vì đó là quyền lợi của các con, của chúng sanh, chứ Thầy chẳng có quyền lợi gì trong đó nữa vì Thầy đã tu xong. Chỉ vì thương xót các con và chúng sanh mà Thầy ra công dựng lại giáo pháp chân chánh của Đạo Phật để giúp các con và chúng sanh mà thôi, còn chánh pháp này mất hay còn là do các con và chúng sanh”.

Và Thầy cũng căn dặn: “Những cái sách mà Thầy viết, Thầy để lại cho mấy con sau này thì cố mà giữ gìn, bảo trì. Đạo đức của loài người nó sẽ phát triển và người Việt Nam là người đầu tiên thọ hưởng nền giáo dục đạo đức đó. Thế giới sau này thì cũng nương theo nền đạo đức này để xây dựng quê hương đất nước dân tộc của họ, đều lấy cái kinh nghiệm của đất nước Việt Nam của chúng ta.

Một vinh dự lớn mà Thầy đã đặt ở đất nước này! Một đất nước thiệt là chịu nhiều đau khổ trong nhiều cuộc chiến tranh mà có một nền đạo đức vĩ đại, trên thế giới này không có được.

Các con biết như vậy thì phải cố gắng nghe lời dạy của Thầy, cố gắng cùng đoàn kết thương yêu nhau để xây dựng được nền đạo đức cho đất nước này, cho dân tộc này. Đây là cái nhiệm vụ của mấy con rồi!”.

Đến nay cũng đã 9 năm kể từ khi Thầy nhập Niết bàn, Ban biên tập Thư viện Thầy Thông Lạc đã luôn cố gắng với công sức và trí tuệ nhỏ bé của mình để kết tập, bảo tồn, lưu giữ những di sản chánh pháp mà Thầy đã triển khai dựng lại.

Nhân dịp kỷ niệm ngày sinh lần thứ 94 (17/9/1928 – 17/9/2021) của Trưởng lão Thích Thông Lạc, bậc tu chứng dựng lại chánh pháp của Đức Phật, Ban biên tập xin trân trọng giới thiệu quý bạn đọc phiên bản mới của trang web, nền tảng bảo tồn Thư viện Thầy Thông Lạc nhằm truyền tải di sản của Thầy một cách ĐẦY ĐỦ, NGUYÊN GỐC, CÓ HỆ THỐNG để quý bạn đọc dễ dàng truy cập, tìm kiếm, đối chiếu hơn trong quá trình nghiên cứu nền đạo đức nhân bản – nhân quả.

Nền tảng thư viện mới bao gồm hệ thống ấn bản điện tử, sách nói, sách ảnh, pháp âm, video, hình ảnh được bố trí theo danh mục, sắp xếp theo chuyên đề, nhóm theo lộ trình tu học và xây dựng các giáo trình mà Trưởng lão Thích Thông Lạc đã triển khai để quý bạn đọc dễ dàng tham khảo.

Quá trình xây dựng nền tảng thư viện mới diễn ra trong thời gian rất dài, với nhiều công sức nghiên cứu các giai đoạn dựng lại chánh pháp, khảo sát bối cảnh lịch sử các bài pháp, phân tích dữ liệu, thiết kế hệ thống, lập trình, kiểm thử… mà Ban biên tập và các cộng sự cùng chung tay làm việc. Nếu có gì thiếu sót, kính mong quý bạn đọc góp ý xây dựng.

Chúng con xin tri ân Trưởng lão Thích Thông Lạc đã dựng lại chánh pháp; xin cám ơn các tu sinh, Phật tử đã tu hành, vấn đạo để chúng ta có những bài pháp làm sáng tỏ thêm chân lý giải thoát; xin cám ơn những người đã có công ghi chép, lưu giữ những tư liệu chánh pháp dưới dạng chữ viết, âm thanh, hình ảnh; xin cám ơn những người hữu duyên đã nghiên cứu áp dụng đạo đức vào đời sống hạnh phúc và bình an; xin cám ơn những người cộng sự đã giúp đỡ Ban biên tập rất nhiều trong thời gian qua; xin cám ơn quý bạn đọc đã đồng hành, động viên, khích lệ; xin trân trọng cảm ơn tất cả…!

Nguyên Thanh thay mặt Ban biên tập và các cộng sự, xin giới thiệu nền tảng Thư viện Thầy Thông Lạc phiên bản mới đến quý độc giả gần xa.

TM. Ban Biên Tập
Sc. Nguyên Thanh

THÔNG TIN TÁC GIẢ

Nguyên Thanh

Xem thêm

Người Thầy vĩ đại Thích Thông Lạc

Nguyên Thanh

Trưởng lão Thích Thông Lạc

Tấm gương cao cả, thông điệp về hòa bình và sự khoan dung của Thầy đã được mọi người tiếp nhận với một niềm tin vui khôn tả và là một tài sản chung của những ai đã có cơ duyên được nghe và thực hành. Ý chí sắt đá, trí tuệ sâu xa, tình thương bao la, từ bi vô bờ, phục vụ vị tha, sự hi sinh quên mình, sự thanh tịnh tuyệt vời, một nhân cách hấp dẫn và những phương pháp mẫu mực của Thầy đã được thể hiện qua những bài pháp không lời trong cuộc sống hàng ngày.

Lòng yêu thương là động lực giải thoát

Trưởng lão Thích Thông Lạc

Nguyên Thanh

Con là một thiếu nữ trẻ đẹp có đầy đủ trí tuệ và lòng yêu thương mọi người. Thỉnh thoảng con lại giúp Thầy cho ra đời những tác phẩm chấn chỉnh lại Phật giáo khiến cho mọi người có hướng đi tốt đẹp để xây dựng cuộc đời họ trong an lạc và hạnh phúc.
5.0
Tổng 5 lượt bình luận

Ban biên tập

10:17 07 Th9 2022
0

“Chúng con xin hướng về những bậc ân nhân của nhân loại: Đức Phật ở Ấn Độ là người đầu tiên tu hành chứng đạo, làm chủ sanh, già, bệnh, chết, xác định chân lý Tứ Diệu Đế cho con người và truyền dạy phương pháp tu hành giải thoát khổ đau; còn Trưởng lão Thích Thông Lạc ở Việt Nam là người tiếp nối mạng mạch chánh pháp của Đức Phật, thắp sáng lên ngọn đèn đạo đức nhân bản – nhân quả, sống không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh.” (Sc. Nguyên Thanh)

Ban biên tập

10:17 07 Th9 2022
1

Triển khai chánh pháp chính là triển khai nền đạo đức nhân bản – nhân quả, sống không làm khổ mình khổ người, sống không làm khổ mình khổ người là sống thiện, mà sống thiện là giải thoát, đạt được mục đích tu hành của Đạo Phật.

Ban biên tập

10:17 07 Th9 2022
1

Dựng lại chánh pháp là triển khai Tứ Diệu Đế, bốn chân lý bất di bất dịch của con người, chỉ thẳng sự thật khổ là do tâm tham, sân, si; nguyên nhân của khổ là do lòng ham muốn; trạng thái tâm không tham, sân, si là giải thoát, là Niết Bàn mà Trưởng lão Thích Thông Lạc đã sử dụng danh từ thanh thản, an lạc, vô sự để mô tả trạng thái này; con đường giải thoát là chương trình giáo dục đào tạo gồm có 8 lớp Bát Chánh Đạo, chia làm ba cấp học Giới – Định – Tuệ.

Ban biên tập

10:16 07 Th9 2022
1

Trưởng lão Thích Thông Lạc đã tu hành xong, làm chủ hoàn toàn sanh, già, bệnh, chết vào ngày 17/10/2980 Dương lịch (nhằm ngày 9/9/1980 Âm lịch), nghĩa là mọi dục lạc không còn cám dỗ được Thầy, bệnh tật, già yếu không còn tác động được vào tâm của Thầy, Thầy muốn sống là sống, muốn chết là chết dễ như trở bàn tay, Thầy vẫn sống bình thường nhưng phi thường vì tâm Thầy bất động trước mọi ác pháp và cảm thọ.
Sự thành công làm chủ giặc sanh tử của Thầy mở màn cho công cuộc chấn hưng giáo pháp chân chánh của Đức Phật Thích Ca, thắp sáng lên nền đạo đức nhân bản – nhân quả, sống không làm khổ mình khổ người cho nhân loại trên hành tinh này.

Ban biên tập

10:16 07 Th9 2022
1

““Không có gì khó khăn khi đưa ra, vất vả khi tiến hành, gặp nhiều bất trắc và đầy hiểm nguy như khi đi đầu một lĩnh vực mới”, lời nói của một nhà công nghệ khiến chúng tôi suy ngẫm về quá trình dựng lại chánh pháp của Trưởng lão Thích Thông Lạc với nhiều gian nan sóng gió muôn trùng, nhưng Thầy vẫn vững tay chèo lái con thuyền đạo đức nhân quả, sống không làm khổ mình khổ người cập bến bình an.” (Sc. Nguyên Thanh)

VIẾT BÌNH LUẬN

THÔNG TIN BỔ SUNG

  • Tác giả

    Thích Nữ Nguyên Thanh

  • Thời gian

    17/9/2021

  • Khổ giấy

    13x20,5 cm

  • Số trang

    18

  • Thể loại

    Tâm thư

  • Dữ liệu

    File pdf, epub

  • Ngôn ngữ

    Tiếng Việt

  • Phù hợp cho

    Máy tính, máy tính bảng, smartphone