Nhân quả quá khứ là nền tảng cho nhân quả hiện tại
NỘI DUNG MÔ TẢ
Nhân quả quá khứ là những duyên để gặp nhau ở kiếp này, nói rõ hơn nhân quả quá khứ là mảnh đất để cho nhân quả hiện tại sanh sôi nảy nở ra bông kết quả. Còn cay đắng, ngọt bùi là do trí tuệ con người gieo hạt giống hiện tại, nếu hạt giống hiện tại thiện thì quả phải lành, nếu hạt giống hiện tại ác thì quả phải khổ đau.
Quý bạn đọc vui lòng chọn định dạng pdf hoặc epub, rồi nhấn nút “Đọc” ở trên để đọc toàn bộ nội dung tư liệu, hoặc xem trực tiếp như sau:
Phan Rang, ngày 24 tháng 4 năm 2000
NHÂN QUẢ QUÁ KHỨ LÀ NỀN TẢNG CHO NHÂN QUẢ HIỆN TẠI
Minh Pháp vấn đạo
Hỏi: Kính bạch Thầy!
Kính thưa cô Diệu Quang!
Đời người không ai biết cái chết xảy đến cho ta, ngoại trừ các vị Thánh tu hành chứng đắc.
Gia đình con vừa mất một người chị thân thương, vĩnh viễn xa rời những người thân yêu tái sanh nơi chốn thiện ác do tích lũy thiện ác ở đời, nhưng nào ai biết về đâu? Cha mẹ già yếu tưởng chừng sẽ mất trước con trẻ nào ngờ nhân quả thiện ác thím mạng trẻ chết trước già.
Nguyên chị con bị chết đâu do tay con rể về cố ý chém người cháu nhầm mẹ vợ (ban đầu vùng này chưa có điện, nên thấy không rõ mặt người).
Gia đình và cha mẹ quá đau đớn cái chết bất ngờ, người không bệnh nan y trước cảnh đau lòng này. Con không giải thích được đường đi của nhân quả liên quan nhiều sự việc dẫn đến án mạng. Có người cho mẹ vợ có ân oán với chàng rể ở quá khứ nay kết duyên rể con để trả nợ xương máu.
Theo con hiểu khi con người ta nổi giận, lúc bấy giờ mất hết bình tĩnh sáng suốt, tâm sân hận sôi sục, ác quỷ vô minh xâm chiếm cả tâm hồn, mất lý trí, cho nên làm theo bản năng thú tính, không chút thương xót và sợ hãi.
Nhân khổ mình:
Sân: Cầm dao chém người, gây gổ hàng xóm. Thường cầm dao uy hiếp người khác (thói quen) ở tù.
Quả khổ người:
Án mạng: Chắc chắn sẽ có ẩu đả, bị thương chết, nằm bệnh viện.
Chị con con trước đây từ bỏ con rể vì tính hung ác của cậu ta, nên không quan tâm chuyện gây gổ với hàng xóm nữa.
Ngay sự việc xảy ra có liên hệ giữa con trai nên chạy theo can gián vì:
– Thương con, độ con bị đánh nhầm (Ái kiết sử)?
– Nhân ác quá khứ trổ quả nghiệp lực thúc đẩy?
Nếu chị có tu tập tĩnh giác thì có đủ bình tĩnh biến sự việc dữ thành lành, thì có thể qua khỏi nghiệp nghiệp ác trổ quả không mất mạng? Theo tư duy của chúng con như vậy có đúng không thưa Thầy và cô Diệu Quang? Còn giải thích nhân quả hiện tại (thực tế dễ tin), nhân quả quá khứ đời trước (nói thế nào mà họ tin vì con người đời nay có người cho là rủi ro không nhân quả, đời quá khứ vị lai chấp đoạn, kiếp chết là hết).
Vậy thì nhân quả thiện ác nghiệp báo luân hồi, chúng ta giải thích như thế nào cho anh em đều hiểu thực hành trong đời sống tránh ác làm thiện mà Thầy thường nhắc nhở chúng con. Đại Thừa giáo giải thích nhân quả có ý dọa nạt mơ hồ, không thực tế rõ ràng.
Kính xin Thầy và cô Diệu Quang chỉ dạy cho chúng con được tận tường nhân quả nghiệp báo luân hồi. Mỗi lá thư mà Thầy đã gửi do giải thích thắc mắc của các huynh đệ đến được nhóm phô tô chia nhau mỗi người một bản làm tài liệu học tập và thực hành.
Đáp: Chơn như ngày 26 – 4 – 2000.
Kính gửi: Minh Pháp!
Nếu học về đạo đức nhân bản – nhân quả mà không hiểu được nhân quả nghiệp báo luân hồi mà cứ giải thích theo tưởng giải của các nhà học giả Đại Thừa thì mơ hồ, trừu tượng, thiếu thực tế, không cụ thể, phần nhiều là những câu chuyện huyền thoại cảnh giới siêu hình địa ngục để lừa đảo con người cúng tế, cầu phước, cầu an cầu siêu, v.v..
Trong bức thư này có câu: “thương con, độ con bị đánh nhầm (Ái kiết sử)”, câu này đúng. Vì ái kiết sử khiến tâm mê mờ, đặt tình thương không đúng không gian và thời gian, không thấy hiện tướng nhân quả đang diễn biến sôi động từng giây phút (sát na), nên tiến vào hiện tướng nhân quả tăng trưởng ác pháp như lửa gặp gió, nên án mạng dễ dàng xảy ra.
Câu 2: “Nhân quá khứ trả quả nghiệp lực thúc đẩy”, câu này hiện theo tưởng giải của các nhà Đại Thừa, nên mơ hồ trừu tượng, sai không đúng. Nếu cho nhân ác quá khứ trả quả thì nó là luật nhân quả định mệnh hay mệnh định chứ không phải là luật nhân quả của Đạo Phật. Thì như vậy nhân quả không thể chuyển được, mà nhân ác quá khứ trổ quả thì con người ở thế gian này không có giải thoát được mà phải chịu số mệnh, và như vậy Đạo Phật không có ra đời vì có ra đời cũng không giải quyết sự đau khổ của loài người.
Biết rằng nhân quả có quá khứ và vị lai, nhưng trí hữu hạn của chúng ta chưa đủ để hiểu, nếu chúng ta muốn hiểu thì thành ra tưởng tri, mà tưởng tri hiểu thành ra mơ hồ trừu tượng, thiếu thực tế và không thể hiểu đúng được.
Hiểu nhân quả là phải hiểu với trí hữu hạn mà chúng ta đã có sẵn, đừng hiểu theo trí tưởng tượng mà thành ra không thực tế. Như lý luận nhân quả của con trong thư là thực tế, nhưng chưa được cụ thể lắm và những câu sai Thầy sẽ giúp thêm để các con nhận rõ hơn.
Luận về nhân quả là phải luận về nhân quả hiện tại thì mọi người không có nghi ngờ, vì nhân ở đâu thì quả phải ở đó liền, ai ai cũng nhận ra rõ ràng, vì rất cụ thể nên ai cũng phải tin. Còn luận về nhân quả quá khứ nối tiếp với nhân quả hiện tại như các nhà Đại Thừa ở trong thấy tàng thức thì những người có kiến thức họ không tin. Bởi vì chúng ta còn trí hữu hạn, chưa phải là trí vô hạn, thì chúng ta đừng nên hiểu do kiếp trước giết người mà kiếp này người giết lại, mà phải hiểu nhân quả quá khứ là những duyên để gặp nhau ở kiếp này, nói rõ hơn nhân quả quá khứ là mảnh đất để cho nhân quả hiện tại sanh sôi nảy nở ra bông kết quả. Còn cay đắng, ngọt bùi là do trí tuệ con người gieo hạt giống hiện tại, nếu hạt giống hiện tại thiện thì quả phải lành, nếu hạt giống hiện tại ác thì quả phải khổ đau. Cho nên, từ xưa đến nay người ta luận về nhân quả mơ hồ, trừu tượng theo kiểu Đại Thừa, người có đầu óc khoa học thực tế họ không tin.
Nhân quá khứ mà quả hiện tại có nghĩa là nhân đời trước mà quả đời nay, luận như vậy có vẻ mơ hồ, không thực tế, người ta khó tin. Và nếu nhân ở đời trước mà quả ở đời hiện tại thì người tu theo Đạo Phật không thể chuyển hóa nhân quả được, hay nói cách khác là không thể làm chủ sanh, già, bệnh, chết, và như vậy thì Đạo Phật không có ra đời như trước chúng tôi đã nói.
Ví dụ: Nhân là hạt chanh ở quá khứ đã gieo rồi thì quả là trái chanh chua ở hiện tại. Như vậy, chúng ta làm sao chuyển được, mà phải ăn trái chanh chua.
Luận theo nhân quả như vậy là sai. Bởi vì luận như vậy là nhân quả có sự cố định, do đó người ta mới đẻ ra luật định mệnh như câu chuyện Bách Trượng Dã Hồ và câu chuyện vua Lưu Ly.
Cho nên, định luật số mệnh không đúng, vì luật nhân quả luân hồi gắn liền trong kiếp hiện tại, còn nhân quả ở quá khứ, kiếp khác nối tiếp kiếp với hiện tại thì nhân quả quá khứ chỉ là mảnh đất mà thôi.
Ví dụ: Nhân quả quá khứ kiếp trước là các duyên anh em, cha mẹ, dòng họ, thân bằng quyến thuộc, con cái, chòm xóm láng giềng, đó là mảnh đất nhân quả quá khứ.
Trên mảnh đất nhân quả quá khứ này, mặc tình ai muốn gieo hạt giống hiện tại tùy ý, nếu hạt giống ngọt thì sanh trái ngọt, hạt giống đắng thì sanh trái đắng.
Ví dụ: Có một người mở miệng mắng chửi người khác, người đang mắng chửi đã có nhân quả trong hiện tại đầy đủ. Mở miệng mắng chửi tức là có nhân và quả trong ý, suy nghĩ là nhân, tức giận là quả; mở miệng mắng người là nhân, la hét tức tối hao hơi tổn tiếng là quả; múa tay múa chân là nhân, cơ thể mệt mỏi là quả.
Con người ở đời không có đạo đức nhân bản – nhân quả, nên mọi việc xảy ra rất đau lòng. Trường hợp như gia đình con, chị con bị đâm chết, còn biết bao nhiêu trường hợp xảy ra cay đắng phũ phàng như báo chí đã đăng tin, một người anh giết em, mẹ và cha, mà là người có học thức đại học chứ không phải là người thiếu học, thế mà chỉ vì đạo đức nhân bản – nhân quả không có.
Hằng ngày trên hành tinh này đã biết bao nhiêu sự kiện xảy ra đau lòng, chỉ vì loài người không có đạo đức nhân bản – nhân quả, nên đã xâu xét giết nhau hơn loài ác thú.
Sự việc xảy ra trong gia đình con là một sự việc đau lòng trong muôn ngàn sự việc đau lòng đang liên tục xảy ra khắp nơi trên hành tinh này, chứ không phải chỉ riêng có gia đình con đâu.
Vì lợi ích cho con người trên hành tinh này, vì ngăn chặn mọi sự xảy ra đau lòng cho con người, Thầy đang soạn thảo “Giáo trình Đạo Đức Nhân Quả Nhân Bản”. Mong rằng đạo đức của Phật giáo ra đời sẽ chuyển hoá được những sự đau khổ này, biến cảnh sống thế gian thành cõi Cực Lạc, Thiên Đàng, đó là một điều ước nguyện của Thầy.
Vậy các con hãy cố gắng tu tập học hỏi đạo đức nhân quả nhân bản, không làm khổ mình, khổ người, tức là ngăn ác diệt ác pháp, sanh thiện tăng trưởng thiện và luôn luôn nhớ lời khuyên răn của Đức Phật: “Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành”.
1/ Câu chuyện thứ nhất, Bách Trượng Dã Hồ:
Sau buổi thuyết giảng của Thiền sư Bách Trượng, tất cả chúng điều ra về chỉ còn lại một ông già, dường như muốn hỏi Tổ Bách Trượng một điều gì nhưng còn ngán ngại. Tổ Bách Trượng biết được ý mới hỏi:
– Sao giờ này ông chưa về?
Ông lão đáp:
– Kính bạch Hòa thượng, con có một điều nghi ngờ, Hòa thượng giải đáp dùm.
– Cứ hỏi!
– Kính bạch Hòa thượng, cách đây 500 năm con cũng là một vị tu sĩ trong hàng giáo phẩm Thượng tọa, có người hỏi con: “Bậc đại tu hành có bị lực nhân quả hại không?”. Con đáp: “Bậc đại tu hành không bị lực nhân quả”, lời đáp này không đúng nên con bị tái sanh làm loài chồn tinh ở sau chùa. Do công phu tu hành con đã biến được thành người, nhưng câu hỏi năm xưa con còn nghi ngờ không biết phải trả lời như thế nào đúng. Vậy ngưỡng mong Hòa thượng từ bi giải đáp nghi ngờ cho con.
Tổ Bách Trượng đáp:
– Chẳng mê muội nhân quả.
Ông lão quỳ xuống đảnh lễ Tổ và nói: “Mang ơn Hòa Thượng làm lễ trà tỳ cho con, ngày mai con đã hết kiếp làm thân chồn”.
Câu chuyện này Tổ sư Thiền Tông đã xác định luật nhân quả định mệnh, chứ không phải luật nhân quả của Đạo Phật, tức là luật nhân quả của Bà La Môn. Câu chuyện này có nghĩa là người tu chứng cũng không làm chủ được nhân quả.
2/ Câu chuyện thứ hai của vua Lưu Ly.
Nơi dòng họ Thích Ca ở có một ao cá rất lớn, dòng họ Thích Ca xúm nhau tát cạn ao và bắt cá ăn thịt. Lúc bấy giờ Đức Phật còn bé, Ngài không ăn cá mà chỉ lấy cái đầu cá lớn nhất ném chơi. Do đó quả ác quá khứ trổ nở, vua Lưu Ly đem quân về sát phạt giết sạch dòng họ Thích Ca, lúc bấy giờ Đức Phật không ăn thịt nhưng vì ném đầu cá chơi nên vẫn phải bị nhức đầu ba lần.
Nguyên nhân nào vua Lưu Ly sát phạt dòng họ Thích Ca?
Vua Lưu Ly là dòng họ cháu ngoại của Đức Phật Thích Ca, lúc còn bé Ngài về chơi quê ngoại thấy một bộ đài đẹp đẽ, mới trèo lên ngồi chơi, dòng họ Thích Ca thấy vậy mới lôi ngài xuống cho một trận đòn, vì bộ đài đó dòng họ Thích Ca xây lên dành riêng cho Đức Phật thuyết pháp.
Trong hai câu chuyện nhân quả chúng ta phán xét.
Câu chuyện thứ nhất: Bách Trượng Dã Hồ, trong kiếp quá khứ do không biết, tạo nhân nói vọng ngữ nên phải chịu quả trong các kiếp hiện tại làm thân chồn hoang, câu chuyện nhân quả do Thiền tông bịa đặt mơ hồ, hoang đường, không đáng tin cậy.
Câu chuyện nhân quả thứ hai: Vua Lưu Ly nhận diện tiền kiếp tát ao cá ăn thịt và liệng đầu cá chơi, mơ hồ, trừu tượng, không đáng tin.
Vua Lưu Ly bị đánh, nhân hiện kiếp làm khổ người.
Bị sát phạt quả hiện kiếp làm khổ mình.
Nhân quả trong hiện kiếp thực tế và cụ thể.
Nếu dòng họ Thích Ca có học đạo đức nhân bản – nhân qua thì không tạo nhân ác đánh vua Lưu Ly và vua Lưu Ly không bị đánh thì làm sao có thù oán mà giết cả dòng họ Thích Ca.
Câu chuyện vua Lưu Ly trong kinh Nguyên Thủy là câu chuyện nhân quả hiện kiếp trong hiện tại là có thật, còn nhận diện tiền kiếp như trong kinh sách Đại Thừa và Bổn Sanh là sai vì đó là chịu ảnh hưởng nhân quả của giáo pháp Vệ Đà thuộc Bà La Môn. Cho nên, kinh Bổn Sanh là những kinh sách không đáng cho chúng ta tin tưởng mặc dù mọi người đều cho nó là kinh sách Nguyên Thủy, nhưng sự thật kinh này do người sau biên soạn và đưa vào với mục đích là gây mâu thuẫn trong giáo pháp của Đức Phật, cho nên đọc kinh sách Đại Thừa và kinh sách Nguyên Thủy chúng ta thấy có nhiều mâu thuẫn.
Câu chuyện tiền thân của Đức Phật là câu chuyện ngụ ngôn dân gian Ấn Độ. Vì thế, năm bộ kinh Nikaya thuộc tạng kinh Pali chỉ có bốn bộ là đáng tin cậy như: Trường Bộ, Trung Bộ, Tang Chi, Tương Ưng, còn Tiểu Bộ thì không đáng tin tưởng.
Nhân hiện kiếp Vua Lưu Ly bị đánh, khi vua Lưu Ly đem quân trở về sát phạt dòng họ Thích là quả hiện kiếp.
Còn Đức Phật nhức đầu là quả, còn nhân ném đầu cá chơi trong kiếp quá khứ là mơ hồ, trừu tượng, không đáng tin cậy, nhưng quá khứ trong kiếp hiện tại là đúng vì thực tế cụ thể nhân quả trong hiện kiếp. Đó là luận theo kiểu Đại Thừa Bà La Môn.
Cho nên, chuyện tiền thân là chuyện không đúng, đừng tin chuyện bịa đặt của người sau.
Thầy của các con!
…
* Ghi chú: Bài trả lời này được BBT trích từ cuốn Đạo Đức Nhân Bản – Nhân Quả (Tập 1), so với bản viết tay gốc dưới đây thì Trưởng lão Thích Thông Lạc có bổ sung thêm đoạn đầu và cuối, đoạn giải thích về câu chuyện Bách Trượng Dã Hồ và Vua Lưu Ly.
THÔNG TIN TÁC GIẢ
BÌNH LUẬN
VIẾT BÌNH LUẬN
THÔNG TIN BỔ SUNG
-
Tác giả
Trưởng lão Thích Thông Lạc
-
Đối tượng
Thích Minh Pháp
-
Chuyển ngữ bởi
Thư viện Thầy Thông Lạc
-
Xuất bản tại
Thư viện Thầy Thông Lạc
-
Thời gian
26/4/2000
-
Khổ giấy
13x20,5 cm
-
Số trang
22
-
Thể loại
Vấn đạo
-
Dữ liệu
File pdf, epub
-
Ngôn ngữ
Tiếng Việt
-
Phù hợp cho
Máy tính, máy tính bảng, smartphone
Thiện Tâm
Con kính tri ân Thầy Cô cùng Ban Biên Tập đã chia sẽ cho chúng con Pháp Bảo của Đức Trưởng Lão ạ!🙏🙏🙏
Ban biên tập
“Ví dụ: Có một người mở miệng mắng chửi người khác, người đang mắng chửi đã có nhân quả trong hiện tại đầy đủ. Mở miệng mắng chửi tức là có nhân và quả trong ý, suy nghĩ là nhân, tức giận là quả; mở miệng mắng người là nhân, la hét tức tối hao hơi tổn tiếng là quả; múa tay múa chân là nhân, cơ thể mệt mỏi là quả.” (Trưởng lão Thích Thông Lạc)
Ban biên tập
“Ví dụ: Nhân quả quá khứ kiếp trước là các duyên anh em, cha mẹ, dòng họ, thân bằng quyến thuộc, con cái, chòm xóm láng giềng, đó là mảnh đất nhân quả quá khứ.
Trên mảnh đất nhân quả quá khứ này, mặc tình ai muốn gieo hạt giống hiện tại tùy ý, nếu hạt giống ngọt thì sanh trái ngọt, hạt giống đắng thì sanh trái đắng.” (Trưởng lão Thích Thông Lạc)
Ban biên tập
“Bởi vì chúng ta còn trí hữu hạn, chưa phải là trí vô hạn, thì chúng ta đừng nên hiểu do kiếp trước giết người mà kiếp này người giết lại, mà phải hiểu nhân quả quá khứ là những duyên để gặp nhau ở kiếp này, nói rõ hơn nhân quả quá khứ là mảnh đất để cho nhân quả hiện tại sanh sôi nảy nở ra bông kết quả. Còn cay đắng, ngọt bùi là do trí tuệ con người gieo hạt giống hiện tại, nếu hạt giống hiện tại thiện thì quả phải lành, nếu hạt giống hiện tại ác thì quả phải khổ đau.” (Trưởng lão Thích Thông Lạc)
Ban biên tập
“Biết rằng nhân quả có quá khứ và vị lai, nhưng trí hữu hạn của chúng ta chưa đủ để hiểu, nếu chúng ta muốn hiểu thì thành ra tưởng tri, mà tưởng tri hiểu thành ra mơ hồ trừu tượng, thiếu thực tế và không thể hiểu đúng được.” (Trưởng lão Thích Thông Lạc)