Ngày đăng  

19/08/2021, 10:02

NỘI DUNG MÔ TẢ

Trên bước đường tu tập đối với người mới tu, sống trong các đối tượng thì chúng ta phải luôn luôn dùng đôi mắt và trí tuệ của chúng ta phải thấy bằng nhân quả thiện ác, chứ không nên sống bằng đúng sai phải trái. Dưới tâm dục của mình thì cái gì của mình cũng đúng hết, cái gì của người khác cũng là sai, do đó mình làm sao biết cái sai, cái đúng được. Cho nên, chúng ta phải thấy bằng nhân quả.
Trưởng lão Thích Thông Lạc

Quý bạn đọc vui lòng chọn định dạng pdf hoặc epub, rồi nhấn nút “Đọc” ở trên để đọc toàn bộ nội dung tư liệu, hoặc xem trực tiếp như dưới đây:

Chơn Như, ngày tháng năm 1998

NHÌN ĐỜI BẰNG ĐÔI MẮT NHÂN QUẢ

Viên Minh vấn đạo

Hỏi: Tu tập tỉnh thức như thế nào để biết ly dục ly ác pháp. Mỗi khi bị thử thách và khảo nghịch con phải xử tâm như thế nào, kính xin Thầy chỉ dạy!

Đáp: Tỉnh thức thân hành niệm ngoại và nội, tức là Thầy muốn nói Chánh Niệm Tỉnh Thức Định và Định Niệm Hơi Thở, đó là hai cái định mà ở đây Thầy dùng một cái tên để cho thấy rõ: Tỉnh Thức Thân Hành Niệm Ngoại và Nội, đó là hai cái định Thầy gôm lại thành một cái tên để thấy chỗ tu tập của chúng ta thì mới ly dục ly ác pháp, mới ngăn chặn được ác pháp xen vào.

Ví dụ như: Đi kinh hành tôi biết tôi đi kinh hành, tức là tôi biết hành động đang đi thì lúc bấy giờ có niệm nào khởi ở trong đầu được thì tức là chúng ta đã tu sai rồi, đó là tu cái hành động ngoại; còn hành động nội thì ngồi đây biết hơi thở ra, hơi thở ra, từ 1 phút cho đến 10 phút, 30 phút, 1 giờ mà không có niệm nào xen vô thì gọi là tỉnh thức thân hành niệm nội và ngoại.

Đó là danh từ nói để biết được chỗ tu tập của chúng ta. Thầy không có nói những định như hồi nãy, mà nói ra như vậy để chúng ta biết đó là cái tên chỉ cho Định Chánh Niệm Tĩnh Giác và Định Niệm Hơi Thở, mà Định Niệm Hơi Thở còn có một cái tên là Hiện Tại An Lạc Trú.

Khi bị thử thách và khảo nghịch thì nên nhìn và quán xét đối tượng bằng nhân quả. Nghĩa là luôn luôn lúc nào mình bị thử thách và bị khảo nghịch, tức là làm cho mình giận hờn phiền não trong những cảnh mà xảy ra làm cho sợ hãi, lo lắng thì phải nhìn bằng đôi mắt nhân quả thiện với ác, trả quả hay là không trả quả. Do đó, tâm thanh thản liền tức khắc, giải thoát liền. Đó là cách thức tu tập ở đây dạy rất cụ thể, rõ ràng.

Khi một người biết nhìn nhân quả thì ngay đó dù hoàn cảnh xảy ra có cực kỳ đau khổ cách gì thì người đó vẫn thấy an vui. Mình đang trả quả mà, sao lại mình không an vui? Mình đang thử thách những tai nạn, những bệnh tật gì đó mà mình rầu rĩ thì đó là cái sai; còn nhìn nhân quả thì mình biết đây là mình đang trả quả, do đó mình vui vẻ trong sự thử thách này, vì vậy mà mình được an vui. Và cũng từ sự an vui đó, thử thách sẽ không còn, nhân quả không tác dụng được nữa, nó làm giảm bớt và hoàn cảnh thăng tiến đưa đến thiện pháp, từ đó mình hưởng được quả vui, nó không làm cho mình đau khổ nữa.

Còn mình rầu khổ, phiền não trong tâm, mình bị khảo đảo rồi sanh ra những ác pháp, mình hờn trách, mình rủa người ác độc này kia thì từ đó mình chồng thêm những ác pháp trong tâm của mình, mình gieo những cái nhân đó, nó làm cho cái quả càng nhiều chồng lên làm cho mình khốn đốn và khổ sở hơn nữa.

Còn mình biết đây là nhân quả cho nên tâm không có phiền trách ai hết, mình thấy đây là một sự thử thách của nhân quả, cho nên mình vui vẻ, mình đối xử với người đó rất là thân tình, không còn thấy người đó là thù nghịch, không còn thấy hoàn cảnh đó là chán ghét, đau khổ nữa, mà thấy hoàn cảnh đó giúp cho mình thăng tiến trên sự giải thoát. Cho nên, mình thấy được nhân quả thì ngay đó là mình giải thoát được tâm mình, không còn bị khảo đảo hay là khảo nghịch nữa. Đó là cách thức tu ở đây là như vậy, nó giúp cho chúng ta nhìn bằng đôi mắt nhân quả, không phải nhìn bằng đôi mắt đúng sai, phải trái của nó nữa.

Cho nên, người nào đang bị thử thách, đang bị khảo đảo mà vội tức giận, phiền não, nói người ta là ác độc hoặc cho người ta là như thế này thế khác thì người đó tạo thêm nhân quả cho mình, chồng chất thêm sự đau khổ, từ đó mình càng khổ đau hơn và càng tạo thêm nhân quả ác cho chính mình để thọ lấy những quả khổ tiếp diễn ở trong tương lai, vì cái tâm ác của mình đã khiến người ta ác, do đó mình làm chuyện ác rồi.

Cho nên, gặp trường hợp người ta làm một điều gì thì mình hoàn toàn đều thấy người ta đều thiện, giúp cho mình vượt qua được nhân quả nghiệp báo của mình. Người ta chửi mình, người ta mắng thậm tệ mình, người ta nói mình thế này thế khác đều là người ta giúp cho mình vượt qua nhân quả mình đang thử thách. Khi vượt qua thử thách mình vui vẻ, mình thấy người đó là người ơn của mình, là người giúp mình. Cho nên, Thầy nhắc lại một vấn đề mà Đức Phật hỏi ông Phú Lâu Na khi ông Phú Lâu Na xin qua một xứ khác để độ chúng sanh ở xứ đó, thì Đức Phật nói:

– “Cái dân xứ đó ác độc lắm, ông không thể đi được đâu”.

Ông Phú Lâu Na mới nói:

– “Con đi được, xin Đức Phật cho con đi”.

Thì Đức Phật mới nói:

– “Ông tới, dân ở đó sẽ chửi mắng ông, ông chịu không có nổi đâu. Gặp ông là nó kêu ông là thầy chùa này thầy chùa kia, nó kêu ông là trọc này trọc kia… rồi ông chịu không nổi thì chừng đó ông thấy khổ tâm lắm”.

Thì ông Phú Lâu Na mới nói:

– “Nó có chửi mắng con, có kêu con là trọc này trọc kia đi nữa thì nó còn thương con chứ nó chưa có lấy đá, lấy sỏi ném con”.

Thì ông Phật nói:

– “Nó sẽ lấy đá, lấy sỏi ném con”.
Ông Phú Lâu Na mới nói:

– “Nó cũng còn thương con, chứ nó đâu có ghét con, cho nên nó chưa lấy gậy gộc đánh con”.

Ông Phật nói:

– “Nó sẽ lấy gậy gộc đánh ông”.

Ông Phú Lâu Na nói:

– “Nó vẫn còn thương con, nó chưa lấy gươm đao giết con”.

Ông Phật nói:

– “Nó sẽ giết ông, nó sẽ lấy gươm đao đâm ông chết”.

Thì ông nói:

– “Chính nó đã thương con, cho nên con mang thân nhân quả này rất khổ, nó đâm chém giết con thì tức là nó làm cho con hết khổ”.

Cuối cùng ông Phật nói:

– “Được, ông hãy đi qua xứ đó đi”.

Tức là ông thấy được nhân quả, còn chúng ta chưa thấy được nhân quả. Khi họ vừa nói “ông trọc” là chúng ta đã tức rồi, người ta nói “thầy chùa này, thầy chùa kia” là mình đã tức rồi, chứ còn người ta nói “thầy, thầy, Thượng tọa, Hòa thượng” thì mình khoái lắm, nhưng mà nói “trọc này trọc kia” là chúng ta tức rồi. Phải không các thầy? Các thầy phải thấy điều đó chứ? Cho nên, chúng ta chưa thấy nhân quả. Phải không?

Hồi đó, biết đâu chừng mấy thằng nhỏ đó cũng là thầy chùa, rồi mình cũng kêu họ “trọc trọc”, thì giờ họ cũng kêu mình lại, nhân quả mình trả chứ có gì đâu mà mình sợ. Nó kêu mình chứ có mắc mớ gì, có đau đớn gì đâu mà về mình tức mấy thằng nhỏ này, “tao đập mày chết này”, thì cái chuyện đó là mình nói lời còn ác nữa, “đập người ta chết”, phải không? Do đó, mình tạo nhân tạo quả. Vì vậy, mình phải thấy bằng nhân quả.

Cho nên ở đây, Thầy trả lời cô Viên Minh là mình thấy bằng nhân quả.

Trên bước đường tu tập đối với người mới tu, sống trong các đối tượng thì chúng ta phải luôn luôn dùng đôi mắt và trí tuệ của chúng ta phải thấy bằng nhân quả thiện ác, chứ không nên sống bằng đúng sai phải trái. Dưới tâm dục của mình thì cái gì của mình cũng đúng hết, cái gì của người khác cũng là sai. Do đó, mình làm sao biết cái sai, cái đúng được. Cho nên, chúng ta phải thấy bằng nhân quả. Cái gì ở đó có khổ là cái quả, cái gì ở đó đang bị người ta chửi mắng, đó là cái nhân. Người bị chửi mắng là người đang thọ quả, còn người đang khởi niệm chửi mắng người ta đó là cái nhân. Chúng ta thấy nhân quả tiếp diễn liên tục, vì vậy mà chúng ta sống trong nhân quả thì trong cảnh nghịch nào chúng ta cũng thoát ra hết.

Người ta đuổi không cho mình ở nhà, tức là có nhân quả, chúng ta vui vẻ, mà vui vẻ thì người ta không đuổi mình nữa; còn mình giận hờn, bực tức, mình làm thế này thế khác thì họ sẽ tìm cách đuổi mình đi nữa. Cho nên vì vậy mà mình vui vẻ, đi thì đi có gì đâu, ở đời thân này còn giữ không được huống hồ là giữ cái nhà làm gì, do đó người ta mời mình ở lại mà mình còn không muốn ở, ở sợ nó phiền toái. Khi mình bước chân ra khỏi cổng một cách vui vẻ thì có người khác chạy lại nói: “Chị hãy đến nhà tôi chị ở đi, tôi có căn phòng rất rộng rãi”, không ngờ là mình ở trong xó bếp mà đi ra người ta cho mình cái nhà mình ở hẳn hòi đàng hoàng.

Do nhân quả mình vui vẻ mà mình được cái phước đó. Còn mình buồn giận thì vừa không có nhà ở, lại đau khổ ở trong lòng nữa, nó vất vả, khổ sở thì cái nhân quả này không trả nó lại chồng thêm cái nhân quả khác. Còn chúng ta vui vẻ ra đi, mặc dù chúng ta chưa nghĩ có người nào đón chúng ta vào nơi nào ở đâu, nhưng vì cái tâm chúng ta không có hờn giận, không có nghĩ người đó ác thì lúc bấy giờ lại có người khác trợ giúp cho chúng ta rất là an ổn. Chúng ta đừng có nghĩ rằng nhân quả không có, nó sẽ có và giúp chúng ta sẽ vượt qua những thử thách rất là gian nan, từ đó mới thấy Đạo Phật thực tế.

Giáo pháp của Đạo Phật đều xây dựng trên nhân quả, cho nên lấy giới luật làm đầu, lấy giới luật làm thầy là do nhân quả đó, chứ không phải là cái gì khác hết. Vì Đức Phật biết, tự mình cứu lấy mình, cho nên hãy tự thắp đuốc lên mà đi. Do chỗ tự thắp đuốc lên mà đi thì Đức Phật phải rành nhân quả, nếu không rành nhân quả thì không nói lời nói đó đâu.

Nếu có người nào đó cứu khổ mình, có ông Phật nào hơn ông Phật Thích Ca độ mình, có Đức Phật Quan Âm cứu khổ mình, chắc chắn Đức Phật không dạy chúng ta thắp đuốc lên đi đâu, mà chúng ta chỉ đến chỗ thờ ông Phật đó mình kêu gọi, niệm riết ông Phật đó thì ông động lòng ông cứu mình, lúc bấy giờ mình thoát khổ. Cho nên, ông Phật đó không dạy mình tự lực mà dạy mình tha lực.

Còn đàng này, ông Phật thấy không có tha lực nào cứu mình được hết mà chính những hành động thiện ác nhân quả. Đức Phật đã thấu suốt nhân quả, nên dạy Đạo Phật là đạo tự lực, đạo tự mình cứu lấy mình, chứ không ai cứu mình được hết. Và chúng ta, những người đi theo Đạo Phật là những người gan dạ, những người có nghị lực, có kiên trì thì mới theo Đạo Phật nổi, còn những người yếu đuối, nương tựa vào kẻ khác thì nên đi vào tôn giáo khác, tôn giáo có những Đức Phật vĩ đại để độ chúng ta, có đấng vạn năng để cứu chúng ta, chúng ta nương vào những vị đó để an ủi tinh thần chứ thật ra thì không làm gì được. Đạo Phật tự mình cứu được thì được mà không được thì tự mình phải chịu lấy.

Vì vậy, đứng trước các thử thách và khảo đảo thì chúng ta phải thấy đó là nhân quả. Cho nên, gặp nhân quả thì Thầy giảng nhiều, bởi vì Thầy sẽ viết ra giáo trình học tập và tu tập về đạo đức nhân quả.

Trả lời câu này thì đúng cái chỗ Thầy đang nghĩ đến con người ở trên thế gian này phải cần đạo đức đó để nó quân bình được khoa học hiện giờ. Vật chất mà khoa học tạo ra nó làm cho đời sống người ta tiện nghi quá độ, cho nên từ đó ác pháp lại tăng trưởng. Nếu không có đạo đức nhân quả quân bình lại thì khoa học sẽ trở thành vũ khí giết người để mà nó đạt được những tham vọng của nó, vì thế nó giết người ở trên thế gian này.

Cho nên, ước vọng của Thầy là ngày nào ngồi lại yên tịnh Thầy sẽ viết lại đạo đức nhân quả, đạo đức không làm khổ mình khổ người để quân bình với khoa học hiện đại bây giờ, đó là trọng trách và nhiệm vụ của Thầy phải làm.

THÔNG TIN TÁC GIẢ

Trưởng lão Thích Thông Lạc

Xem thêm

Nhân quả

Trưởng lão Thích Thông Lạc

Diệu Quang

Đức Phật đã xác định: “Con người từ nhân quả sanh ra, sống trong nhân quả và chết trở về nhân quả”. Đó là lời xác quyết rất hùng hồn, chỉ vì Ngài đứng trên lập trường “duyên hợp” của các pháp. Trong thế gian này không có một vật thể nào độc lập riêng lẽ tự nó. Cho nên, tất cả vạn vật sanh ra đều do các duyên hợp mà thành.

Đạo Phật là đạo đức nhân bản nhân quả

Trưởng lão Thích Thông Lạc

Đạo Phật là một nền đạo đức nhân bản nhân quả, sống không làm khổ mình khổ người, chứ không phải là tôn giáo.
5.0
Tổng 2 lượt bình luận

ĐĂNG GIÁC NGẠN

02:03 02 Th10 2021
1

“ Thầy đang nghĩ đến con người ở trên thế gian này phải cần đạo đức đó để nó quân bình với khoa học hiện giờ. Vật chất mà khoa học nó tạo ra nó làm cho đời sống tiện nghi quá độ, cho nên từ đó ác pháp lại tăng trưởng. Nếu không có đạo đức nhân quả quân bình lại thì khoa học sẽ chở thành vũ khí giết người để mà nó đạt được tham vọng của nó, vì thế nó giết người ở trên thế gian này. “ Lời dạy của Đức Trưởng Lão sẽ còn mãi giá trị – nhân loại sẽ thấy điều này. Nếu con người không được học, được thấm nhuần Đạo Đức Nhân Quả mà khoa học hiện đại phát triển những người không có Đạo Đức chỉ cần một cái bấm, một nút ấn, một nốt nhạc sẽ làm hại chình đồng loại của chúng ta.

Ban biên tập

10:03 19 Th8 2021
2

“Nhìn đời bằng đôi mắt nhân quả”, lời dạy của Trưởng lão Thích Thông Lạc thật tuyệt vời!

VIẾT BÌNH LUẬN

THÔNG TIN BỔ SUNG

  • Tác giả

    Trưởng lão Thích Thông Lạc

  • Đối tượng

    Thích Nữ Viên Minh

  • Chuyển ngữ bởi

    Thư viện Thầy Thông Lạc

  • Thời gian

    1998

  • Khổ giấy

    13 x 20.5 cm

  • Số trang

    13

  • Thể loại

    Vấn đạo

  • Dữ liệu

    file pdf, epub

  • Ngôn ngữ

    Tiếng Việt

  • Phù hợp cho

    Máy tính, máy tính bảng, smartphone