Đạo Phật là đạo đức nhân bản nhân quả
NỘI DUNG MÔ TẢ
Thầy chỉ mong sao có nền đạo đức cho con người, chứ không đứng trong góc độ tôn giáo này hay tôn giáo nọ. Đừng nghĩ rằng tôi là người này, tôi là người kia. Đừng nghĩ vậy, mà chỉ nghĩ rằng tôi là con người, mà con người thì phải sống có đạo đức, đạo đức nhân bản – nhân quả, sống không làm khổ mình khổ người. Đạo đức đó có sẵn nơi con người chứ không có gì mới mẻ cả. Và hôm nay chúng ta cũng mong muốn nền đạo đức đó được duy trì, được phát triển cho con người để đem lại hạnh phúc chung trong xã hội trên hành tinh này.
Quý bạn đọc vui lòng chọn định dạng pdf hoặc epub, rồi nhấn nút “Đọc” để đọc toàn bộ nội dung tư liệu, hoặc đọc trực tiếp như dưới đây:
Chơn Như, ngày 14/3/2006
ĐẠO PHẬT LÀ ĐẠO ĐỨC NHÂN BẢN NHÂN QUẢ
Thầy chỉ mong sao có nền đạo đức cho con người, dựng được nền đạo đức mà thôi, chứ không đứng trong góc độ tôn giáo này hay tôn giáo nọ. Thầy cũng không muốn ngay cả cái tên Phật giáo nữa.
Tại sao vậy? Chúng ta biết ơn Đức Phật, nhưng chúng ta không nên chia rẽ con người trên hành tinh này ra nhiều tôn giáo. Chúng ta không làm điều đó vì nó không đúng tinh thần đạo đức nhân bản – nhân quả của loài người, bởi vì càng có nhiều tôn giáo, có nhiều hệ phái khác nhau thì nạn chia rẽ càng trầm trọng.
Chúng ta chỉ mong đem lại nền đạo đức chung cho loài người. Nền đạo đức đó có con người đề xuất ra cách đây 2550, đó là Đức Phật Thích ca Mâu Ni. Người đời sau tôn xưng Ngài là Đức Phật và thành lập giáo lý đạo đức của Ngài thành giáo lý tôn giáo Phật giáo. Thật sự trong thời Đức Phật, Ngài chỉ tự xưng mình là một Bà La Môn đúng, khác với Bà La Môn sai mà thôi. Đúng là đúng trên đạo đức, sai là thiếu đạo đức. Đó là mục đích của Đạo Phật mà chúng ta thấy trong kinh Pháp cú, Đức Phật đã nói rất nhiều về vấn đề này. Không tự xưng mình là Phật, nhưng người đời sau gán cho Đức Phật bằng 10 danh hiệu. Thầy mong rằng ý rất tuyệt vời này của Đức Phật được người đời biến bốn chân lý của Đức Phật thành đạo đức của loài người. Chân lý của loài người thì trả lại cho loài người. Chân lý này có sẵn đó chứ Đức Phật không tạo ra hay chế biến thêm, mà đây là Đức Phật thấy được, hiểu được con người là phải có đạo đức đó.
Đạo đức đó có sẵn nơi con người chứ không có gì mới mẻ cả. Và hôm nay chúng ta cũng mong muốn nền đạo đức đó được duy trì, được phát triển cho con người để đem lại hạnh phúc chung trong xã hội trên hành tinh này.
Và Thầy mong rằng khi Thầy đã thị tịch ở bất cứ nơi đâu, hoặc trong rừng, trong núi trong hang hay không biết ở đâu, nếu các con nhớ Thầy thì phải đem pháp tu học của mình, đạo đức của mình đạt được dạy lại cho người khác, đó là không phụ lòng Thầy. Còn nếu khi Thầy đã ra đi rồi, các con thấy đời khổ quá mà không hướng dẫn họ, các con bỏ cuộc đầu hàng sự khó khăn thì các con không xứng đáng, các con phụ lòng Thầy đó. Thầy chịu cực khổ dựng lại đường tu học của Phật giáo để sống lại đạo đức của Phật giáo mà các con lại bỏ thì rất uổng. Dù gian khổ bao nhiêu mà nền đạo đức đó được chấn chỉnh lại cho con người trên hành tinh này có đường lối tu tập thì Thầy cũng vui lòng. Nhưng nếu duyên không đủ, Thầy phải ra đi thì các con phải tiếp tục chấn chỉnh lại con đường này của Phật giáo, làm sáng tỏ lại nền đạo đức nhân bản – nhân quả, sống không làm khổ mình khổ người, thì mới là xứng đáng theo Thầy, làm đệ tử của Thầy, của Phật. Đạo Phật là chân lý của loài người, hãy làm sống lại đường lối của Đạo Phật, đừng nên để Đạo Phật mất đi.
Đạo Phật mất là sự thiệt thòi lớn cho loài người, chúng ta không có quyền bỏ nó. Cho nên, khi tu tập được Thầy thấy rằng là con người, chúng ta không có quyền bỏ giáo lý này, chơn pháp này, nó đem lại lợi ích thiết thực.
Thầy mong rằng các con nhớ kỹ lời Thầy và hôm nay Thầy trao cho các con những điều cần thiết cho sự tu tập của các con. Sau giờ phút này dù ở bất cứ chỗ nào các con cũng tu được hết. Khi các con tu thành công được là các con nối tiếp ngọn đuốc làm sáng tỏ lại đạo đức của Phật giáo.
Đừng nghĩ rằng tôi là người này, tôi là người kia. Đừng nghĩ vậy, mà chỉ nghĩ rằng tôi là con người, mà con người thì phải sống có đạo đức. Là con người có học Bát Chánh Đạo thì chúng ta phải sống cho xứng đáng với Bát Chánh Đạo, với Đức Phật là người cha đã thương các con đã để lại cách thức tu tập, để lại đường lối để các con của mình sống được an ổn, được yên vui, được làm chủ bốn sự đau khổ của kiếp người. Có làm được vậy thì chúng ta mới không phụ lòng Đức Phật, người đã bỏ hết cuộc đời của mình, bỏ hết dục lạc thế gian đem cả thân mạng của mình để đi tìm chân lý của loài người.
Phật đã tìm được và để lại cho chúng ta những cái thiết thực như qua bằng chứng bản thân Thầy, Thầy thấy Thầy đã làm được giống như Phật và được giải thoát giống như Phật. Thầy rất tiếc nếu một mai các con để chân lý mất đi là các con có lỗi với con người, với các thế hệ hậu sinh của chúng ta.
Nếu các con không làm mất chân lý thì các con đã xứng đáng không phụ lòng Đức Phật, cũng như cuộc đời của Thầy.
Thầy quyết định dựng lại nền đạo đức chân lý của loài người mà sức khỏe của Thầy đã suy yếu đành phải ra đi trước khi hoàn thành sứ mạng này. Nhưng Thầy cũng mãn nguyện là mình đã đem hết sức lực ra làm để dựng lại nền đạo đức, chân lý của Đạo Phật, không để mất, đó là Thầy đã hết bổn phận.
Các con cũng vậy, hãy nỗ lực làm cho tận cùng thì mới không phụ lòng tin của Thầy và Thầy nghĩ rằng mỗi người nối tiếp nhau để cùng nhau dựng lại thì nền đạo đức này không thể mất. Hôm nay các con đã hiểu rõ rồi thì hãy cố gắng trên bước đường tu tập.
THÔNG TIN TÁC GIẢ
BÌNH LUẬN
VIẾT BÌNH LUẬN
THÔNG TIN BỔ SUNG
-
Tác giả
Trưởng lão Thích Thông Lạc
-
Chuyển ngữ bởi
Thư viện Thầy Thông Lạc
-
Thời gian
14/3/2006
-
Khổ giấy
13 x 20.5 cm
-
Số trang
7
-
Thể loại
Khai thị Phật pháp
-
Dữ liệu
pdf, epub
-
Ngôn ngữ
Tiếng Việt
-
Phù hợp cho
Máy tính, máy tính bảng, smartphone
Ban biên tập
Đạo Phật là chân lý của con người, nên là con người thì ai cũng tu tập được, miễn là biết cách sống đúng đạo đức không làm khổ mình khổ người.