NỘI DUNG MÔ TẢ
Ngày giỗ, ngày Tết là những ngày truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc Việt Nam: “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây”, nhưng hiện nay người ta lạm dụng ngày tốt đẹp ấy đã biến thành ngày tụ tập để ăn chơi nhậu nhẹt, vì ăn chơi nhậu nhẹt nên phải sát hại chúng sanh làm cỗ linh đình, biến dần ngày ấy thành ngày tội lỗi, biết bao nhiêu sanh linh phải chết cho ngày ấy. Vì sự sống, sự vui chơi của loài người, nhưng loài người là một loài động vật thông minh nhất sao lại nỡ tâm sống và vui chơi trên sự đau khổ của muôn loài vật khác?
Quý bạn đọc vui lòng chọn định dạng pdf hoặc epub, rồi nhấn nút “Đọc” ở trên để đọc toàn bộ nội dung tư liệu, hoặc xem trực tiếp như dưới đây:
Chơn Như, ngày tháng năm 1998
UỐNG NƯỚC NHỚ NGUỒN
Chơn Thành vấn đạo
Hỏi: Kính bạch Thầy! “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây”, làm nên sự nghiệp nhớ ơn người thầy có công dạy bảo, đó là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, nhà nào cũng lập một bàn thờ để thờ Phật, tổ tiên, ông bà và cha mẹ. Ngày giỗ, ngày Tết con cháu dù công tác ở nơi đâu cũng trở về quê sum họp với gia đình và tưởng nhớ đến công ơn sinh thành như trời như biển của tổ tiên, ông bà và cha mẹ.
Nhưng cũng những ngày giỗ Tết này thường bày ra ăn uống cỗ bàn linh đình, rượu chè say sưa, gà, lợn thường phải giết để cúng tế, gây tốn kém về kinh tế, gieo nhân ác với loài chúng sanh, v.v..
Để phát huy truyền thống tốt đẹp lâu đời đối với chư Phật, tổ tiên, ông bà và cha mẹ, để đền đáp công ơn sanh thành dưỡng dục như trời biển đó, ngày Tết, ngày giỗ nên tổ chức như thế nào cho đúng ý nghĩa đạo đức nhân quả làm người, không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sanh. Xin Thầy chỉ dạy cho chúng con được rõ!
Đáp: Ngày giỗ, ngày Tết là những ngày truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc Việt Nam: “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây”, nhưng hiện nay người ta lạm dụng ngày tốt đẹp ấy đã biến thành ngày tụ tập để ăn chơi nhậu nhẹt, vì ăn chơi nhậu nhẹt nên phải sát hại chúng sanh làm cỗ linh đình, biến dần ngày ấy thành ngày tội lỗi, biết bao nhiêu sanh linh phải chết cho ngày ấy.
Vì sự sống, sự vui chơi của loài người, nhưng loài người là một loài động vật thông minh nhất sao lại nỡ tâm sống và vui chơi trên sự đau khổ của muôn loài vật khác?
Đặt ngược lại vấn đề, trên thế gian này có một loài động vật khác có uy quyền và thông minh hơn loài người nữa, loài động vật ấy, chúng biết nuôi loài người và các loài động vật khác. Cứ hằng năm, ngày giỗ và ngày Tết hoặc tất cả những ngày lễ lớn, chúng đều bắt loài người và những loài vật khác ra giết và làm cỗ linh đình, ăn uống nhậu nhẹt vui chơi thỏa thích, thì lúc bấy giờ loài người sẽ nghĩ như thế nào đối với loài động vật đó?
Chắc chúng ta sẽ nguyền rủa loài động vật ấy là ác quỷ, là quỷ Sa Tăng, là quỷ La Sát, là loài ác thú chứ không phải loài người nữa, v.v.. Có phải vậy không quý vị?
Đến ngày giỗ, ngày Tết và những ngày lễ lớn trong năm, so sánh loài người chúng ta hiện nay cũng vậy, chẳng khác nào như loài ác thú, loài quỷ dữ, chẳng biết thương xót muôn loài vật khác, nhẫn tâm sống trên xương máu đau khổ của chúng, làm tội ác như vậy chẳng biết thương xót, còn sinh tâm thích thú vui cười khi cầm dao giết hại những loài vật hiền lành rất đáng thương. Nhất là những loài chó, mèo, những con vật trung thành và rất thương yêu chúng ta như những đứa con thân thương, thế mà chúng ta nỡ nhẫn tâm giết chúng để ăn thịt, cũng giống như chúng ta ăn thịt những đứa con thương yêu của mình sinh ra.
Nói về con chó là nói về con vật trung thành dù chúng ta có đánh đập xua đuổi chúng như thế nào, nhưng khi gặp chủ thì chúng vẫn vẫy đuôi mừng chủ, vậy mà con người vẫn ăn thịt chúng được.
Trong khi các loài vật khác giãy giụa, kêu la, gào thét, rên xiết, quằn quại trên bàn tay đẫm máu của loài người thì lúc bấy giờ chúng ta chè chén vui chơi thỏa thích, mà vô tình không nghĩ đến nỗi đau thương ấy.
Chúng ta đâu biết rằng luật nhân quả sẽ không tha thứ cho một ai. Nếu kẻ đó chuyên làm ác giết hại và đem thịt, da, xương, máu của chúng sanh ra bán lấy tiền hoặc nấu nướng chiên xào, hầm, kho luộc, v.v.. thành thực phẩm chi dụng cho cuộc sống hằng ngày của mình, hoặc ăn uống nhậu nhẹt vui chơi thỏa thích, trong lúc đó cuộc sống hiện tại của chúng ta sẽ có nhiều sự kiện xảy ra tai nạn, bệnh tật khổ đau không chỉ có thân mình mà cả chùm nhân quả như cha, mẹ, vợ, con…
Ví dụ: Trong những ngày Tết, ngày giỗ, ngày lễ lớn, v.v.. khi ăn uống nhậu nhẹt thường xảy ra sự rầy rà to tiếng chửi mắng đánh đập với nhau, có khi xảy ra án mạng kẻ nằm nhà thương người đi ở tù, đó là nhân quả xảy ra trong sự kiện hiện tại.
Ngày Tết, ngày giỗ là ngày truyền thống đạo đức ân nghĩa để tỏ lòng biết ơn sâu xa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, nhưng người ta không hiểu ý nghĩa của nó, nên đã lạm dụng ngày đó ăn chơi theo dục vọng tầm thường của kẻ phàm phu tục tử, biến dần thành những ngày tội lỗi sát hại sanh linh chỉ để thỏa thích cho lòng ham muốn theo dục lạc vui chơi trần tục “ăn nhậu” say sưa mất hết tư cách đạo đức làm người, tự chúng ta đã biến dần chúng ta trở thành những con thú vật mà không hay biết, mất hết lương tri, chẳng biết xấu hổ và còn hung ác như loài thú dữ. Lúc bấy giờ chúng ta đâu còn biết nghĩa lý gì đạo đức hiếu sinh, sống trước cảnh tàn ác, tàn nhẫn, nhẫn tâm giết hại và ăn thịt các loài vật như vậy, không có một chút lòng yêu thương thì đâu còn gọi là người biết ân biết nghĩa đối với những con người có đạo lý làm người.
Ngày đạo đức tốt đẹp ấy là ngày truyền thống văn hoá tốt đẹp của một dân tộc mà giết hại và ăn thịt chúng sanh như vậy thì không thể gọi là ngày: “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc Việt Nam. Ngày ấy chỉ còn là ngày tụ họp dòng họ anh, em, chị, em, cùng chòm xóm láng giềng ăn uống chè chén vui chơi say sưa một cách hạ liệt, để rồi la hét chửi mắng, đánh đập nhau, xâu xé như loài ác thú.
Ngày tốt đẹp ấy không còn là ngày con cháu tụ họp về để nhớ cội nguồn của dòng họ tổ tiên, ông bà đã làm vẻ vang lịch sử quê hương tổ quốc của dân tộc Việt Nam nữa.
Ngày tốt đẹp ấy không còn là ngày đạo đức nhân bản – nhân quả làm người biết thương yêu muôn loài sống trên hành tinh này, biết thương yêu và tha thứ cho nhau những lỗi lầm. Ngày ấy, bấy giờ trở thành ngày sát hại sanh linh biết bao nhiêu loài vật hiền lành và vô tội phải chịu chết cho ngày ấy; ngày ấy đã biến thành ngày độc ác nhất trong năm của con người; ngày ấy là ngày tội lỗi nhất của con người; ngày ấy là ngày con người đã tạo nghiệp tái sanh luân hồi làm thân loài vật mãi mãi trong muôn kiếp.
Ngày tốt đẹp ấy là ngày tụ họp con cháu lại để nhắc nhở con cháu chớ nên làm điều ác, mất đạo đức; chớ nên làm những điều tội lỗi, những điều mất danh giá, làm cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ phải xấu hổ dưới tuyền đài, làm cho những người còn sống khó nhìn mặt mọi người.
Vì thế ngày ấy là ngày giết hại sanh linh, làm cỗ bàn linh đình, xúm lại ăn uống chè chén say sưa giống như loài thú vật chỉ còn biết tụ họp để ăn nhậu thì còn nghĩa lý gì là ngày truyền thống tốt đẹp: “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc Việt Nam.
Từ một ngày mang đầy tính chất đạo đức ân nghĩa tốt đẹp của một truyền thống văn hóa dân tộc anh hùng, ngược lại ngày nay nó đã biến dần mất hết ý nghĩa cao đẹp ấy.
Nếu chúng ta không kịp thời sửa sai lại thì con cháu của chúng ta sẽ chạy theo quá đà dục lạc thường tình thế tục “tham ăn thích uống” thì ngày ấy chỉ còn là ngày “ăn chơi”, nhậu nhẹt, say sưa, la lối, chửi mắng như người điên thật là tội lỗi. Ngày ấy không còn là ngày mang đầy đủ ý nghĩa văn hoá cao thượng và đẹp đẽ của một dân tộc Việt Nam nữa.
Đứng trên nền tảng đạo đức nhân bản – nhân quả làm người, không làm khổ mình khổ người mà chỉnh đốn lại ngày ấy để mang đầy đủ ý nghĩa văn hóa cao thượng và cao đẹp của nó, xứng đáng là ngày truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam: “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây”:
1- Ngày ấy bác, chú, cô, dì, cha, mẹ, anh, chị, em, con cháu phải tụ họp về đầy đủ nơi nhà thờ tổ tiên, ông bà, không được vắng mặt, dù có đi làm việc và ở đâu xa cũng phải trở về họp mặt cho đầy đủ, để nói lên được tình sâu nghĩa nặng, đạo đức cao đẹp ân nghĩa làm người, “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây”.
2- Ngày ấy không được giết hại sanh linh, vì ngày ấy là ngày ân nghĩa, không thể đem sự đau khổ chết chóc của muôn loài vạn vật ra làm ân, làm nghĩa đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ của chúng ta được. Ngày ấy chỉ là ngày họp mặt của dòng họ, để nói lên con cháu của dòng họ này là những người hiền lành sống có đạo đức không làm khổ mình, khổ người và khổ muôn loài chúng sanh. Nếu ngày ấy giết hại sanh linh làm cỗ linh đình thì còn nghĩa lý gì gọi là làm ân, làm nghĩa của những con người có đạo đức nhân bản – nhân quả biết thương mình, thương người và thương muôn loài vạn vật. Ngày ấy xương thịt của chúng sanh nằm trên cỗ bàn la liệt như một bãi chiến trường thì mất hết ý nghĩa ân nghĩa cao đẹp của những ngày ấy đối với tổ tiên. Vì thế, tuyệt nhiên ngày ấy không được đổ máu dù một giọt máu rất nhỏ. Tại sao vậy?
Tại vì, ngày ấy tổ tiên, ông bà của chúng ta đã đi tái sanh làm muôn loài vạn vật. Tuy là tổ tiên, ông bà của chúng ta nhưng đã mang lốt chúng sanh làm loài vật thì chúng ta đâu còn biết được?
Xưa lúc Đức Phật còn tại thế, Ngài đi xin đến một nhà nọ, có một con chó chạy ra sủa Ngài, Ngài liền nói chuyện với con chó: “Này con chó kia, nhà ngươi có biết trước kia nhà ngươi là ai không?”. Con chó không còn sủa nữa, đứng lắng tai nghe, Đức Phật nói tiếp: “Trước kia nhà ngươi là chủ nhân của ngôi nhà này, khi chết nhà ngươi không kịp trối trăng cho các con cháu biết nhà ngươi đã có giấu một số vàng trong nhà, vì thế sau khi chết nghiệp tiếc của cải của nhà ngươi mà phải chịu tái sanh làm thân chó để giữ gìn của cải đó”. Từ khi nghe Đức Phật nói như vậy, con chó bỏ ăn và chẳng bao lâu con chó chết. Do câu chuyện này chúng ta suy ra: “Nghiệp sát sanh của tổ tiên, ông bà, cha mẹ của chúng ta làm sao tránh khỏi tái sanh làm thân loài vật, từ loài gia súc nuôi trong nhà như: gà, vịt, heo, dê, ngựa, bò, mèo, chó, v.v.. cho đến các loài cá, tôm, rùa, trạnh, v.v.. coi chừng đều là tổ tiên, ông bà, cha mẹ của chúng ta tái sanh, do lòng thương yêu con cháu không muốn xa lìa hoặc do nghiệp sát sanh mà phải chịu làm thân thú vật”.
Xưa Đức Phật còn tại thế, Ngài đã thuật lại cho chúng ta nghe một câu chuyện: “Có hai vợ chồng nhà kia, người chồng bệnh chết, nhưng vì quá thương cô vợ trẻ, do nghiệp thương ấy người chồng tái sanh làm con dòi ở trong lỗ mũi vợ, khiến cho cô vợ trẻ này đau nhức trong lỗ mũi rất khó chịu. Một hôm cô đến nhờ một vị thầy thuốc trị dùm lỗ mũi, vị thầy thuốc dùng kẹp bắt ra một con dòi, cô vợ trẻ trông thấy con dòi quá sợ và từ đó chứng bệnh đau lỗ mũi không còn nữa”.
Đối với con mắt hữu hạn của chúng ta đâu nhìn qua được lốt nghiệp. Vì lòng yêu thương con cháu, vì trả nợ miệng bà con xóm làng nên giết hại sanh linh làm cỗ bàn linh đình, nên ngày nay làm thân súc vật để con cháu giết lại làm cỗ đãi người, đó là luật nhân quả trả vay – vay trả muôn đời muôn kiếp vô cùng tận không bao giờ dứt. Nếu chúng ta không sáng suốt đình chỉ ngay bàn tay đẫm máu thì chúng ta cũng không thoát khỏi nợ máu này. Đừng lạm dụng ngày nhớ ân tổ tiên, ông bà, cha mẹ rồi lại giết hại tổ tiên, ông bà, cha mẹ của mình thì còn nghĩa lý gì đạo lý làm người? Ngày nhớ ơn lại trở thành ngày phi ơn.
Đối với Đạo Phật, ngày giỗ, ngày Tết và tất cả những ngày lễ lớn trong năm nên tổ chức đúng ý nghĩa đạo đức làm người, tức là phải tổ chức đúng theo đường lối đạo đức nhân bản – nhân quả trong Bát Chánh Đạo:
1/ Chánh Kiến
2/ Chánh Tư Duy
3/ Chánh Ngữ
4/ Chánh Nghiệp
5/ Chánh Mạng
6/ Chánh Tinh Tấn
7/ Chánh Niệm
8/ Chánh Định
Những ngày giỗ, ngày Tết và tất cả những ngày lễ lớn trong năm thì nên tổ chức đúng theo năm nẻo trong Bát Chánh Đạo. Vậy tổ chức theo Chánh Kiến như thế nào?
Tổ chức những ngày ấy đúng chánh kiến theo đạo Phật như:
1- Thứ nhất, không nên giết hại chúng sanh làm cỗ linh đình.
2- Thứ hai, không được tế lễ, cúng kiến lễ bái cầu siêu cầu an theo kiểu mê tín, dị đoan, tin có linh hồn người chết về ăn uống, phù hộ con cháu.
3- Thứ ba, không nên lạm dụng ngày đó tụ họp ăn uống nhậu nhẹt say sưa la hét, chửi mắng, đánh lộn, v.v..
4- Thứ tư, không được dùng ngày đó làm cỗ linh đình trả nợ miệng làng xóm.
Muốn tổ chức những ngày ấy đúng chánh kiến đạo đức ân tình nghĩa nặng của những người đệ tử Phật thì phải.
– Thứ nhất, trên bàn thờ tổ tiên phải được quét dọn sạch sẽ, không chưng hoa chỉ có quả, đèn hương phải trang nghiêm.
– Thứ hai, mọi người về tụ họp đều phải mua sắm những thực phẩm thực vật hoặc bánh trái cây, v.v.. tránh mua sắm thực phẩm động vật và bông hoa.
5- Thứ năm, tránh mọi sự lo lắng, nhọc nhằn cho người giữ gìn nhà thờ tổ tiên bằng cách, khi mọi người về họp mặt trong những ngày ấy đều phải mua và mang về theo nhiều hoặc ít trái cây thực phẩm để tỏ lòng biết ân qua hiện vật của ít lòng thành. Còn người nào nghèo quá thì cũng nên về cho đông đủ để nói lên ý nghĩa cao đẹp của sự biết ơn sâu dày như trời biển của tổ tiên, ông bà, cha mẹ mà không cần phải mua sắm vật gì.
6- Thứ sáu, ngày ấy trong dòng họ phải có một người hiểu biết lịch sử và gia phả của dòng họ, đứng lên nhắc lại công ơn tổ tiên, ông bà, cha mẹ để cho con cháu biết và khích lệ sách tấn con cháu sống đúng đạo đức làm người, không làm khổ mình, khổ người và không làm khổ muôn loài vật khác. Con cháu phải nhớ học tập tốt có đức, có tài, làm việc siêng năng cần mẫn thanh liêm, luôn luôn làm sáng tỏ danh đức dòng họ tổ tiên, không được làm ô nhục, làm xấu ô danh dòng họ, phải làm cho danh thơm, tiếng tốt.
7- Thứ bảy, ngày ấy bác chú, cô dì, anh chị em, con cháu nội ngoại gần xa đều về đông đủ để biết được nhau không còn xa lạ, ông bà biết con cháu, con cháu biết ông bà, ngày ấy là ngày để dòng họ biết nhau, gần nhau, giúp đỡ nhau.
Tóm lại, ngày ấy nếu biết tổ chức đúng ý nghĩa theo đạo đức nhân bản làm người thì mới xứng đáng với câu: “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây”.
THÔNG TIN TÁC GIẢ
BÌNH LUẬN
VIẾT BÌNH LUẬN
THÔNG TIN BỔ SUNG
-
Tác giả
Trưởng lão Thích Thông Lạc
-
Đối tượng
Thích Chơn Thành
-
Thời gian
1998
-
Khổ giấy
13x20.5 cm
-
Số trang
15
-
Thể loại
Vấn đạo
-
Dữ liệu
file pdf, epub
-
Ngôn ngữ
Tiếng Việt
-
Phù hợp cho
Máy tính, máy tính bảng, smartphone
Ban biên tập
Ngày giỗ, ngày Tết, nên tổ chức theo tinh thần đạo đức nhân bản làm người, thì mới xứng đáng với câu, “uống nước nhớ nguồn” – Trưởng lão Thích Thông Lạc