NỘI DUNG MÔ TẢ
Quý bạn đọc vui lòng chọn định dạng pdf hoặc epub, rồi nhấn nút “Đọc” ở trên để đọc toàn bộ nội dung tư liệu, hoặc xem trực tiếp như sau:
Chơn Như, ngày tháng năm 2003
ĐỨC TỪ TÂM
Phương cách sống về đạo đức không làm khổ mình khổ người, thì trước tiên chúng ta phải sống có đạo đức với mình. Sống có đạo đức với mình tức là phải sống có “Đạo Đức Từ Tâm”. Vậy Đạo Đức Từ Tâm nghĩa như thế nào?
Đạo Đức Từ Tâm là chữ Hán có nghĩa là đường lối dạy lòng thương yêu sự sống của muôn loài. Nếu chỉ định nghĩa suông như vậy chúng tôi e rằng các bạn sẽ hiểu sai và đánh mất ý nghĩa của bốn chữ này.
Đạo Đức Từ Tâm có nghĩa là phương cách dạy mỗi hành động của bạn không bao giờ đụng chạm và làm cho chúng sinh đau khổ.
Đạo Đức Từ Tâm còn có ý nghĩa là dạy bạn luôn luôn nhìn và suy nghĩ về mọi sự việc và về mọi đối tượng đều trong thiện pháp, không hề có một chút ác pháp nào. Nếu còn một chút ác pháp như đất trong móng tay thì chưa phải là Đạo Đức Từ Tâm.
Bây giờ các bạn đã hiểu được Đạo Đức Từ Tâm, chỉ còn biết cách tập luyện và áp dụng vào đời sống của các bạn thì đó là các bạn sống có đạo đức với mình.
Khi áp dụng vào cuộc sống của bạn thì Đạo Đức Từ Tâm là đạo đức biết thương mình. Vậy thương mình thì phải sống như thế nào mới gọi là thương mình thật sự, mới gọi là Đạo Đức Từ Tâm?
Thương mình thì trước mọi hoàn cảnh xảy đến nghịch ý trái lòng, thì không nên giận hờn, buồn phiền. Theo như các bạn đã biết, giận hờn, buồn phiền là làm cho mình khổ đau, làm cho mình đau khổ là mình không thương mình, và như vậy mình thiếu đạo đức với mình. Người thiếu đạo đức với mình thì đừng mong mình có đạo đức với ai. Phải không hỡi các bạn?
Đứng trước mọi sự việc xảy ra nghịch ý trái lòng mà không giận dữ, buồn phiền, đau khổ, thì đó là mình đã thực hiện được đạo đức không làm khổ mình. Muốn được vậy thì các bạn hằng ngày phải thực hiện sống với lòng yêu thương mọi sự sống của muôn loài. Có yêu thương mọi sự sống của muôn loài thì các bạn mới dễ dàng tha thứ cho những người đã làm cho bạn buồn phiền, tức giận, khổ đau, v.v.. Còn nếu không làm được vậy thì bạn khó lòng mà sống không làm khổ bạn.
Muốn thực hiện sống đời đạo đức thương yêu ấy thì các bạn cần phải có sự suy nghĩ chân chính.
1/ Suy nghĩ về đối tượng làm khổ bạn: Khi người ấy dùng lời nói chửi mắng hay có những hành động làm khổ bạn, thì bạn nên suy nghĩ: “Họ là những người đã làm khổ đau họ trước khi họ chửi mắng và làm đau khổ bạn. Họ là những người vô đạo đức với họ, họ là những người khùng điên, những người ngu si”. Khi suy tư như vậy bạn có còn giận hờn họ để làm gì. Phải không hỡi các bạn?
Do lòng oán ghét, tức giận bạn, họ không kham nhẫn, không chịu đựng được, nên mới tìm bạn chửi mắng hoặc đánh bạn cho đã cơn giận, tức là làm cho hết cơn khổ đau tức tối trong lòng. Bạn cứ suy nghĩ lại đi có phải đúng như vậy không?
Khi một người oán ghét tức giận một người khác thì người ấy là người đang chịu khổ đau đầu tiên, là người ôm giữ ác pháp vào lòng, là người sống trong điên đảo tình (nếu vì con cái, người thân… của họ mà làm cho họ phiền muộn, tức giận), điên đảo tâm (nếu vì của cải, vật chất, nhà cửa, ruộng đất… mà sanh ra buồn phiền, tức giận), điên đảo kiến (nếu vì ý kiến, ý thức hệ bất đồng giữa họ và các bạn, v.v..). Người điên đảo như vậy là người đáng thương sao ta lại ghét họ?
Một người đang sống trong điên đảo tình, điên đảo tâm, điên đảo tưởng, điên đảo kiến, họ là người đang sống trong đau khổ tận cùng. Người như vậy là kẻ đáng thương hơn là đáng ghét như chúng tôi đã nói ở trên. Phải không các bạn?
Người ta đang sống trong điên đảo, đang mất trí, điên khùng mà ghét giận họ có đúng không? Ghét giận những người như vậy làm gì cho mệt xác. Phải không hỡi các bạn?
Tại sao câu này chúng tôi lặp đi lặp lại nhiều lần như vậy? Có tư duy nhiều lần như vậy trong đầu óc chúng ta, thì nội lực sân hận trong ta mới tan biến như mây khói. Nếu không chịu khó tư duy nhiều lần như vậy thì đời đời kiếp kiếp ta sẽ làm khổ cho ta, mà ta khó giải quyết được cơn sân trong ta, nó đã tích lũy từ vô lượng kiếp.
Người ta đang sống trong đau khổ thì mình phải thương chứ sao! Khi suy nghĩ quán xét biết họ là người đang khổ đau như vậy, thì chúng ta còn phiền não tức giận họ nữa không? Chắc là không. Phải không hỡi các bạn?
Nếu tư duy đúng như vậy là chúng ta thoát khổ, chúng ta thoát khổ là chúng ta biết thương mình, không làm hại mình. Một sự cần hiểu biết đơn sơ như vậy đã hóa giải được tâm chúng ta không đau khổ, đó là một hành động hiểu biết sống về đạo đức thương mình. Đạo đức thương mình rất đơn giản các bạn ạ! Chỉ cần có hiểu đúng nhân quả là đã biến chúng ta thành người có đạo đức cao thượng.
Một người đang giận dữ, chửi mắng chúng ta, chúng ta biết ngay họ là người đang đau khổ, biết ngay họ là người đang đau khổ thì chúng ta có tức giận buồn phiền họ không? Chắc chắn là chúng ta hết giận, hết giận là hết khổ đau, hết khổ đau tức là có đạo đức với mình.
Khi chúng ta hiểu biết như vậy thì không tức giận buồn phiền họ mà còn thương xót họ, sự thương xót như vậy là “Đạo Đức Từ Tâm”. Đức Từ Tâm xuất phát từ sự tư duy chân chính, từ sự hiểu biết khổ đau của người khác như thật, nên tự nơi sự hiểu biết chân thật đó phát khởi lòng thương yêu người đang chửi mắng mình, người thù hận mình một cách chân thật, chứ không phải thương yêu một cách giả vờ để nén tâm chịu đựng sự bực tức trong mình.
Đạo Đức Từ Tâm ở đâu thì sự tư duy chân chính ở đó, sự tư duy chân chính ở đâu thì đạo đức từ tâm ở đó. Đạo Đức Từ Tâm chính là sự tư duy chân chính, sự tư duy chân chính tức là Đạo Đức Từ Tâm. Đạo Đức Từ Tâm làm cho sự sống cao thượng, sự sống cao thượng là hành động của Đức Từ Tâm.
Người đời không có sự tư duy chân chính này, thường phản ứng tự nhiên theo bản năng hung dữ của loài động vật. Khi họ tức giận chửi mắng mình thì mình tức giận mắng chửi lại họ, khi họ tức giận đánh mình thì mình tức giận đánh trả lại. Hai con người trong cơn giận dữ không khác nào là hai con ác thú đang cố giết hại lẫn nhau.
Con người cũng chỉ là một loài động vật, khi gặp chuyện nghịch ý trái lòng thì bản tính hung dữ của loài động vật bừng bừng khởi lên, khó cho ai ngăn được. Khi cơn giận dữ khởi lên như vậy thì sự tư duy chân chính không có, sự tư duy chân chính không có thì đạo đức cũng không có, đạo đức không có thì con người tự làm khổ cho nhau mà hằng ngày trên thế gian này chúng ta đã từng chứng kiến mọi sự xảy ra một cách đau xót và thương tâm. Những gì chúng tôi nói trên đây các bạn cứ suy tư thì các bạn sẽ thấu rõ: Chính mình làm khổ mình các bạn ạ!
Là con người chúng ta phải làm gì đây? Hay cứ trơ mắt nhìn con người xâu xé nhau như những con thú vật, vì miếng ăn, vì manh áo, vì vật chất danh lợi mà xâu xé nhau, chà đạp lên nhau, giết hại lẫn nhau một cách bẩn thỉu.
Nếu con người muốn có tâm hồn bình an, yên ổn, không còn giận hờn phiền não, khổ đau thì phải sống đúng Đạo Đức Từ Tâm. Đạo Đức Từ Tâm tức là lòng thương yêu mình.
Muốn thương yêu mình thì phải có lòng yêu thương người “Thương người như thể thương thân” (lời dạy của Nguyễn Trãi). Thương yêu người bằng sự tư duy chân chính đó là để thương mình; để giúp mình thoát ra mọi sự khổ đau, chứ không phải thương yêu người trong tà tư duy, trong tình cảm mù quáng để bị người lợi dụng mình làm danh, làm lợi, làm tình, làm tay sai, làm vật hy sinh cho họ và để cuối cùng mình phải gánh chịu mọi thứ khổ đau. Thương người như vậy là thương người trong ngu si, không trí tuệ, không chân chính tư duy, không suy nghĩ đúng đắn.
Đạo đức nhân bản – nhân quả làm người không chấp nhận mình làm vật hy sinh cho người khác, mặc dù mình tự nguyện. Hy sinh cho người khác tức là tự mình chịu nhận lấy sự khổ đau thay cho người khác.
Đạo đức quân tử thường ca ngợi lòng dũng cảm hy sinh ấy, cho người hy sinh là anh hùng, là quân tử, là Thánh nhân. Ngược lại, đạo đức nhân bản – nhân quả không làm khổ mình khổ người, thì lòng hy sinh của những người ấy được xem là những người làm khổ mình. Người làm khổ mình là người thiếu hiểu biết về đạo đức làm người, người không có tư cách đạo đức làm người, họ là người vô minh, người không khôn ngoan, người thiếu suy nghĩ chân chính, người hiếu danh, người nuôi lớn bản ngã đồ sộ. Khi chúng ta hy sinh mình cho một tôn giáo thì tôn giáo ấy ca ngợi mình là Thánh tử vì đạo.
Không lẽ một vị Thánh mà tâm hồn còn đầy ắp tham, sân, si, mạn, nghi. Hằng ngày sống chưa có đầy đủ những oai nghi Thánh hạnh, mà chỉ cần có hy sinh mạng sống cho một tôn giáo thì được gọi là Thánh, là anh hùng, là quân tử. Như vậy, Thánh, anh hùng và quân tử chỉ có gan dạ dám chết, chứ đâu cần phải có trí tuệ, có oai nghi đức hạnh, có một đời sống như Thánh!?
Theo chúng tôi nghĩ rằng: một vị Thánh là phải thực hiện đạo đức thương mình thương người, còn thương người mà mình chịu khổ, chịu chết thì không thể gọi là Thánh. Thánh sao còn ngu si quá vậy, nhận sự khổ đau cho mình để được danh tiếng thì còn có nghĩa gì làm người, làm Thánh.
Anh hùng cũng vậy, phải thắng mình thắng người thì mới gọi là anh hùng, còn anh hùng mà chỉ có thắng giặc bên ngoài mà không thắng mình thì đạo đức nhân bản không chấp nhận: “Thắng trăm trận không bằng thắng mình” (Lời dạy của Thích Ca Mâu Ni).
Tóm lại, Đức Từ Tâm là đạo đức thương mình. Người chưa có đạo đức thương mình thì đừng hòng có đạo đức thương người, cho nên người đời nói thương người là thương danh của mình. Vì cầu cho mình có được danh tiếng mà làm bất cứ một việc gì gọi là lợi ích cho mọi người, dù có khi hy sinh mạng sống của mình cũng chỉ để được danh, danh Thánh, danh anh hùng, danh quân tử, v.v.. Một người đã chết rồi, dù có danh Thánh, danh anh hùng hay danh gì đi nữa thì còn có nghĩa lý gì! Phải không hỡi các bạn? Chúng ta còn sống thì còn danh còn lợi, khi đã chết rồi danh lợi chỉ là mây khói mà thôi, chúng không còn nghĩa đối với người chết.
Một người còn tâm tham, sân, si, mạn, nghi mà bảo rằng thương mình thì chúng tôi không tin và biết chắc rằng họ nói không thật. Một người còn tâm tham, sân, si, mạn, nghi mà nói thương người thì điều đó là nói không thật. Chưa thương mình sao lại thương người, điều này không thể có.
Đức Từ Tâm là một hành động biết thương mình, thương mình thì không tham, sân, si, mạn, nghi, do có từ tâm nên tham sân, si mạn nghi không có. Như vậy, Đức Từ Tâm rất quan trọng cho sự sống của chúng ta hằng ngày.
Muốn thương mình hằng ngày phải rèn luyện theo phương cách sống từ tâm. Khi từ tâm có thì cuộc sống của chúng ta là Thiên Đàng, là Cực Lạc, vì không còn làm khổ mình khổ người nữa.
Để kết luận Đạo Đức Thương Mình bằng một câu chuyện để các bạn suy ngẫm: “Ngày xưa, một ông vua giàu có nọ có bốn người vợ. Ông rất sủng ái người vợ thứ tư nên ban nhiều phấn son, lụa là. Nhà vua yêu thương người vợ thứ ba rất nhiều nên luôn tự hào đưa nàng ra mắt các vương quốc láng giềng. Ông cũng rất thích người vợ thứ hai, nàng là tri kỷ và luôn ân cần, nhẫn nại đối với ông, những khi có tâm sự cần giải bày, ông lại tìm đến nàng. Còn vợ cả của nhà vua là một người chung thủy, giúp ông rất nhiều trong việc cai trị vương quốc, nhưng bà không được nhà vua sủng ái.
Thế rồi nhà vua lâm bệnh nặng, biết còn rất ít thời gian, ông nghĩ đến cuộc sống đế vương và lo sợ phải cô độc sau khi qua đời. Nhà vua hỏi người vợ thứ tư: “Nàng là người ta sủng ái nhất và đã ban cho rất nhiều trang phục. Nay ta phải sắp rời xa cõi đời này, nàng sẽ đi cùng ta chứ? “Không đâu!” – Người vợ thứ tư trả lời rồi quay bỏ đi. Câu nói như một nhát dao cứa vào tim. Nhà vua tìm đến người vợ thứ ba nhưng cũng nhận được lời đáp: “Không! Cuộc đời này rất đẹp, thiếp sẽ tái giá”. Quá đau buồn, ông tìm đến vợ thứ hai: “Nàng đã luôn bên cạnh mỗi khi ta cần đến. Vậy khi ta nhắm mắt nàng sẽ theo ta chứ?”. Người vợ hai đáp: “Xin nhà vua lượng thứ, lần này thiếp không thỏa ý chàng, thiếp chỉ có thể đưa chàng đến nơi an nghỉ mà thôi”. Câu nói như sét đánh ngang tai, khiến tinh thần nhà vua hoàn toàn suy sụp. Chợt có một giọng nói cất lên: “Thiếp nguyện sẽ theo chàng bất cứ nơi nào chàng đến”. Nhà vua nhìn lên, thì ra là người vợ cả với dáng vẻ gầy gò. Ông đau lòng nói: “Lẽ ra ta phải chăm sóc nàng khi có cơ hội!”.”
Cuộc đời của chúng ta cũng tương tự như thế, đều có bốn người vợ. Người vợ thứ tư ví như cơ thể của chúng ta, dù cho bạn bỏ ra bao nhiêu công sức và thời gian để tô điểm, nó vẫn rời xa khi bạn qua đời. Người vợ thứ ba ví như là của cải và địa vị, một khi ta mất đi tất cả sẽ được chuyển sang người khác. Người vợ thứ hai ví như gia đình và bạn bè của chúng ta, cho dù yêu quý và thân thiết thế nào thì điều tốt nhất họ có thể làm là đưa tiễn ta đến nơi an nghỉ cuối cùng. Còn người vợ cả ví như chính tâm nghiệp lực (thói quen) của chúng ta. Tâm nghiệp lực thường bị phó mặc khi bạn theo đuổi sự giàu sang, quyền lực và những mong muốn đời thường, nhưng tâm nghiệp lực chính là người duy nhất sẽ theo bạn đến bất cứ một nơi nào.
Bởi vậy, Đạo Đức Thương Mình là thương tâm nghiệp của mình, đừng phó mặc cho tâm nghiệp của chúng ta ra sao mặc kệ, mà hãy thương nó thật sự các bạn ạ! Thương nó thì phải chịu khó rèn luyện sửa sai từng chút, thương nó thì đừng làm khổ nó, phải giúp nó luôn sống trong thiện pháp. Chính nó có sống được trong thiện pháp thì nó mới được an ổn yên vui, và như vậy chúng ta mới không làm khổ nó, mới thương yêu nó.
THÔNG TIN TÁC GIẢ
BÌNH LUẬN
VIẾT BÌNH LUẬN
THÔNG TIN BỔ SUNG
-
Tác giả
Trưởng lão Thích Thông Lạc
-
Thời gian
2003
-
Khổ giấy
13x20,5 cm
-
Số trang
16
-
Thể loại
Tâm thư
-
Dữ liệu
File pdf, epub
-
Ngôn ngữ
Tiếng Việt
-
Phù hợp cho
Máy tính, máy tính bảng, smartphone
Thuỳ
Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Nam mô Trưởng lão Thích Thông Lạc!
Con xin kính tri ân công đức vô lượng của Quý Thầy Cô trong BBT đã bảo tồn Chánh Phật pháp! Con xin phép tải bài Pháp về máy để thuận tiện đọc và học đạo đức làm người.
Thiện Tâm
Con kính tri ân Thầy Cô cùng Ban Biên Tập nhiều ạ!🙏❤️
Ban biên tập
“Đạo Đức Từ Tâm ở đâu thì sự tư duy chân chính ở đó, sự tư duy chân chính ở đâu thì đạo đức từ tâm ở đó. Đạo Đức Từ Tâm chính là sự tư duy chân chính, sự tư duy chân chính tức là Đạo Đức Từ Tâm. Đạo Đức Từ Tâm làm cho sự sống cao thượng, sự sống cao thượng là hành động của Đức Từ Tâm.” (Trưởng lão Thích Thông Lạc)
Ban biên tập
“Bởi vậy, Đạo Đức Thương Mình là thương tâm nghiệp của mình, đừng phó mặc cho tâm nghiệp của chúng ta ra sao mặc kệ, mà hãy thương nó thật sự các bạn ạ! Thương nó thì phải chịu khó rèn luyện sửa sai từng chút, thương nó thì đừng làm khổ nó, phải giúp nó luôn sống trong thiện pháp. Chính nó có sống được trong thiện pháp thì nó mới được an ổn yên vui, và như vậy chúng ta mới không làm khổ nó, mới thương yêu nó.” (Trưởng lão Thích Thông Lạc)
Ban biên tập
“Muốn thực hiện sống đời đạo đức thương yêu ấy thì các bạn cần phải có sự suy nghĩ chân chính.
1/ Suy nghĩ về đối tượng làm khổ bạn: Khi người ấy dùng lời nói chửi mắng hay có những hành động làm khổ bạn, thì bạn nên suy nghĩ: “Họ là những người đã làm khổ đau họ trước khi họ chửi mắng và làm đau khổ bạn. Họ là những người vô đạo đức với họ, họ là những người khùng điên, những người ngu si”. Khi suy tư như vậy bạn có còn giận hờn họ để làm gì. Phải không hỡi các bạn?” (Trưởng lão Thích Thông Lạc)
Ban biên tập
“Thương mình thì trước mọi hoàn cảnh xảy đến nghịch ý trái lòng, thì không nên giận hờn, buồn phiền. Theo như các bạn đã biết, giận hờn, buồn phiền là làm cho mình khổ đau, làm cho mình đau khổ là mình không thương mình, và như vậy mình thiếu đạo đức với mình. Người thiếu đạo đức với mình thì đừng mong mình có đạo đức với ai. Phải không hỡi các bạn?” (Trưởng lão Thích Thông Lạc)
Ban biên tập
“Đạo Đức Từ Tâm có nghĩa là phương cách dạy mỗi hành động của bạn không bao giờ đụng chạm và làm cho chúng sinh đau khổ.
Đạo Đức Từ Tâm còn có ý nghĩa là dạy bạn luôn luôn nhìn và suy nghĩ về mọi sự việc và về mọi đối tượng đều trong thiện pháp, không hề có một chút ác pháp nào. Nếu còn một chút ác pháp như đất trong móng tay thì chưa phải là Đạo Đức Từ Tâm.” (Trưởng lão Thích Thông Lạc)
Ban biên tập
“Đạo Đức Từ Tâm là chữ Hán có nghĩa là đường lối dạy lòng thương yêu sự sống của muôn loài.” (Trưởng lão Thích Thông Lạc)