Sách ảnh liên quan
Quay lạiTu hành cũng chỉ vượt qua các nghiệp khổ của cuộc sống để đem lại an vui cho mình cho người, tức là thoát khổ, chứ không phải tu để thành Tiên, thành Phật, tu hành có mục đích trở thành người có đạo đức không làm khổ mình khổ người, dù cho bất cứ một ác pháp nào cũng không tác động được vào thân tâm khiến cho cuộc sống được thanh thản, an lạc và vô sự.
Đạo Phật là đạo trí tuệ đạo đức không làm khổ mình khổ người, tạo cảnh tu tập cho mình mà luôn luôn làm cho mọi người vui mình vui, đó là tu thiền định xả tâm. Thiền định xả tâm còn có tên gọi là “Bất Động Tâm Định”. Người có bất động tâm định là người sống trong trí tuệ nhân quả, ứng dụng nhân quả, chủ động điều khiển nhân quả, chuyển hóa nhân quả.
Tùy thuận mà không bị lôi cuốn
Biết ăn chay tức là biết tu tập tâm “từ, bi, hỷ, xả”. Đã tu tập tâm “từ, bi” mà còn thái thịt, làm cá, chiên rán, xào nấu thì mắt thấy tay làm sự chết chóc, đau khổ của chúng sinh thì lòng dạ nào còn làm được? Tuy không ăn thịt chúng sanh nhưng thân hành động trực tiếp tạo sự đau khổ, tội ác. Nói về giới, người này đã phạm giới. Nói về nghiệp báo, người này vẫn phải chịu thọ nghiệp khổ như người khác. Cho nên, Thầy đã dạy: “Tùy thuận mà không bị lôi cuốn vào việc ác”, còn bị lôi cuốn vào việc ác thì nhất định tìm cách tránh né hoặc nhất định không làm điều đó.
Chuyện tự cao, phách lối, ngã mạn, xem người như cỏ rác, điều đó ai cũng làm được hết. Chuyện không làm khổ mình khổ người; chuyện tùy thuận, nhẫn nhục trước mọi người, mọi hoàn cảnh là chuyện khó làm, không phải ai cũng làm được.
Đừng hiểu nghĩa chuyển nhân quả là chuyển hoàn cảnh thì sai. Hoàn cảnh như thế nào thì chúng ta sống như thế nấy, nhưng tâm ta bất động trước mọi hoàn cảnh vui cũng vậy, buồn cũng vậy, đó là chuyển nhân quả.
Trong mọi thời gian đều nhắc tâm: “Tâm phải ly dục ly ác pháp, tâm như cục đất không giận hờn thương ghét ai hết, phải thanh thản, phải bất động, phải vô sự”. Quán xét đời sống con người khổ để xa lìa tâm tham đắm vật chất thế gian. Quán xét thân vô thường, sự sống chết như chỉ mành treo chuông. Quán xét bệnh là khổ để siêng năng, tinh tấn tu hành. Quán xét tâm tham, sân, si, mạn, nghi là nguy hiểm, là đau khổ. Quán xét thân bất tịnh để phá ngã chấp. Quán xét tâm vô thường để không bị lầm chấp là linh hồn, là Phật tánh…