
Tu là chuyển nghiệp
NỘI DUNG MÔ TẢ
Khi một hành động xảy ra lần đầu, đó là cái nhân. Đến lần thứ hai, thứ ba… nếu mình tiếp tục huân như vậy trở thành thói quen, thì nó mới trở thành cái lực, gọi là nghiệp. Tâm mình thường thường hoạt động theo thói quen, rồi mình dùng ý căn để làm chủ thói quen đó, gọi là chuyển nghiệp.
Quý bạn đọc vui lòng chọn định dạng pdf hoặc epub, rồi nhấn nút “Đọc” ở trên để đọc toàn bộ nội dung tư liệu, hoặc xem trực tiếp như sau:
Chơn Như, ngày tháng năm 2000
TU LÀ CHUYỂN NGHIỆP
Sư P.N [1]: Câu hỏi số 3 của con là vấn đề nghiệp. Thứ nhất, xin Thầy định nghĩa nghiệp là gì? Tu là chuyển nghiệp, chuyển làm sao? Cũng như quét sân không chỉ cây chổi thì làm sao quét?
Thầy: Bởi vì chuyển nghiệp mà họ chỉ nói bằng danh từ thì chưa. Chuyển nghiệp là phải có pháp chuyển chứ không phải là không có pháp chuyển.
Sư P.N: Con thấy bao nhiêu người cũng tội nghiệp, người ta thấy “tu là chuyển nghiệp”, rồi bắt đầu họ lên chùa họ làm công quả, quét sân, bố thí… họ nói vậy là chuyển nghiệp.
Vậy xin Thầy hãy định nghĩa nghiệp là gì?
Thầy: Đức Phật có nói ý nghiệp, khẩu nghiệp và thân nghiệp. Vậy thì ý nghiệp, thân nghiệp và khẩu nghiệp để xác định cho ý hành, khẩu hành và thân hành. Hành động của nó tạo thành cái nghiệp chứ không phải là gì khác hơn hết. Mục đích của người tu Thân Hành Niệm để ý thức của họ làm chủ cái nghiệp, làm chủ hành động của họ, phải không?
Thân Hành Niệm là tu trên hành động của nó chứ gì? Mà ý phải là chủ hành động, tức là làm chủ cái nghiệp, cho nên vì vậy gọi là chuyển nghiệp; nếu mình không làm chủ thì không gọi là chuyển nghiệp. Hầu hết là mình làm theo nghiệp chứ không phải là mình làm chủ nghiệp. Còn người tu người ta tập Thân Hành Niệm rồi người ta thấy rõ ràng là hành động của mình phải đi sau ý thức của mình, cho nên đó là chuyển nghiệp, đúng chưa? Vì vậy luôn luôn ở trong tầm thiện chứ không phải tầm ác, nó chuyển hết nghiệp.
Cho nên, trong cuộc đời tu, nếu một người tu đúng pháp Thân Hành Niệm, thì họ sẽ chuyển hết nghiệp khổ của mình, tâm hồn trở nên thanh thản, và tâm đạt đến trạng thái bất động. Chính pháp Thân Hành Niệm mới dạy chúng ta nhập vào bất động tâm định, đó là phương pháp chuyển nghiệp. Thấy rõ chưa? Cho nên, ai nói đã tu chứng mà vẫn còn nghiệp, như ông Mục Kiền Liên đã chứng quả A La Hán mà còn nghiệp phải trả… thì Thầy nói là sai.
Trong bài tập Thân Hành Niệm, chúng ta đã từng làm chủ cái nghiệp của mình rồi, phải không? Ý nghiệp, khẩu nghiệp, thân nghiệp – đó chẳng phải là hành động của nó sao? Vậy thì người tu Thân Hành Niệm làm chủ từng hành động của mình, thì làm sao còn nghiệp? Có đúng không? Bài Thân Hành Niệm đã xác định rất rõ: nó chuyển hết nghiệp. Cho nên, cuối cùng, Thất Giác Chi mới xuất hiện để làm chủ sanh tử, chấm dứt tái sanh luân hồi. Thấy chỗ đó chưa? Pháp mấu chốt của Đức Phật là ở chỗ đó!
Sư P.N: Con cũng hiểu rằng, mình dựa vào ý căn để làm chủ các hành động, như vậy gọi là chuyển nghiệp. Còn người khác thì không hiểu như vậy, họ nói rằng đi làm phước, làm lành, công quả… cũng là chuyển nghiệp. Vì nghiệp họ xấu, nên họ làm tạo phước, nó khác.
Thầy: Cái đó là họ tạo phước hữu lậu, chứ không phải chuyển nghiệp. Nghiệp của họ vẫn còn đủ, nhưng họ tạo thêm phước để rồi hưởng cái lậu hoặc thêm, chứ không phải chuyển được gì hết. Còn chuyển nghiệp là phước vô lậu, nên không còn lậu hoặc nữa.
Sư P.N: Cái này là cốt lõi chứ nhiều người viết bài tu là chuyển nghiệp chứ không đi sâu.
Thầy: Cái đó là sai…
Sư P.N: Cho con hỏi Thầy: Nghiệp là gì? Có người nói nghiệp là thói quen. Có người lại nói, nghiệp do nhiều đời, nhiều kiếp mình tạo ra cái nhân, giờ mình thấy cái quả, cái quả cũng là cái nghiệp. Cho nên, con muốn Thầy định nghĩa nghiệp là gì cho thật chính xác, thì mình chuyển mới được.
Thầy: Nghiệp phải được hiểu rõ như sau: Khi một hành động xảy ra lần đầu, đó là cái nhân. Hành động thứ hai tiếp tục cái nhân thứ hai, hành động thứ ba tiếp tục nữa… Về mặt danh từ, gọi đó là “huân nghiệp”. Ví dụ như bây giờ, lần đầu tiên có người chọc mình, mình nổi sân, đó mới chỉ là cái nhân, chưa thành nghiệp. Đến lần thứ hai, thứ ba, nếu mình tiếp tục huân như vậy, thì nó mới trở thành cái lực, gọi là nghiệp. Thầy muốn nói ở đây, khi đã trở thành thói quen rồi, thì thói quen mới thành nghiệp.
Cũng giống như bây giờ, nếu Thầy uống ly rượu đầu tiên thì Thầy chưa quen đâu. Cho nên Thầy có thể bỏ rất dễ, thấy đắng quá thì thôi, không uống nữa. Ly đầu tiên chưa thấm vào Thầy được gì. Nhưng nếu Thầy uống đến ly thứ hai, thứ ba, thứ tư, thứ năm… thì nó bắt đầu huân rồi. Lúc đó, bỏ rượu là một vấn đề khó. Mà nghiệp chính là thứ rất khó bỏ như vậy.
Cũng như bây giờ, tham, sân, si được gọi là nghiệp tham, sân, si của mình, rất khó bỏ, vì mình đã huân tập quá nhiều, nó trở thành cái lực. Cho nên, nói “nghiệp” tức là “nghiệp lực”. Con hiểu chỗ đó không?
Một hành động lần đầu tiên thì chưa nói là nghiệp được, vì nó chưa tạo cho tôi sự khổ đau nào cả. Cũng như bây giờ, tôi cầm điếu thuốc hút chơi, lần đầu tiên tôi chưa nghiện đâu, nhưng đến lần thứ hai, thứ ba thì coi chừng, tôi sẽ bị nghiện. Đó là sự huân tập, gọi là “huân nghiệp”. Cho nên, cái nghiệp là phải có thời gian huân nó. Nếu nói lần đầu tiên đã là nghiệp thì chưa thành, vì lúc đó mới chỉ là thân hành, khẩu hành, ý hành ban đầu. Nhưng nếu thân hành, khẩu hành, ý hành diễn ra nhiều lần thì nó sẽ trở thành nghiệp lực.
Nghiệp sẽ dẫn mình đi trong sự ham mê, thích thú, trong dục lạc của nó. Đó chính là nghiệp. Theo thói quen ấy, nó dẫn mình vào đau khổ, nên gọi là nghiệp dẫn đi luân hồi.
Khi định nghĩa chữ “nghiệp”, chúng ta phải hiểu rằng: cần nhiều lần hành động qua thân, khẩu, ý thì mới tạo thành nghiệp, chứ không phải chỉ trong một lần. Người ta nói nghiệp là thói quen, điều đó đúng. Thói quen là nghiệp, nghiệp là thói quen. Nhưng mình cần hiểu rõ rằng: khi nhiều hành động được huân tập lại thì tạo thành cái lực. Nếu huân quá nhiều, thì lực ấy càng mạnh. Đó gọi là nghiệp.
Sư P.N: Cho nên, con thấy tâm mình thường thường hoạt động theo thói quen, rồi mình dùng ý căn để mình làm chủ thói quen đó, gọi là chuyển nghiệp?
Thầy: Chuyển! Nó vơi dần, vơi dần do các hành động của mình ngày càng nằm trong thiện mà nó chuyển cái ác đi, làm cho mình thoát khổ.
Sư P.N: Như vậy, muốn chuyển nghiệp là phải làm chủ các hành động của mình, các thói quen của mình mới gọi là chuyển nghiệp?
Thầy: Đó, vậy đó.
Sư P.N: Đó mới là chính xác, còn làm phước, làm này, làm kia đâu phải làm chuyển nghiệp?
Thầy: Không phải đâu.
Sư P.N: Thí dụ, mình sanh ra trong gia đình giàu hay nghèo, người ta nói đó là do nghiệp. Thời trước mình tạo, bây giờ mình hưởng. Ví dụ, hiện tại mình nghèo, nên bị cái nghiệp, giờ mình phải đi quét rác, quét sân, làm công quả… Vậy sau này mình giàu lên, thì điều đó có liên quan đến cái nghiệp này không?
Thầy: Cái nghiệp đó là nghiệp khổ. Mình huân cái đó để rồi lọt vào nhà giàu nhằm thọ lấy cái khổ trong nhà giàu, chứ đâu phải vào nhà giàu là hết khổ. Người ta thường hiểu giàu là sướng. Khi ở trong cái nghèo mình thấy cái giàu là sung sướng. Nhưng sự thật, khi lọt vào nhà giàu rồi thì cũng không sung sướng đâu, vẫn còn khổ. Đức Phật là vua mà còn bỏ ngai vàng đi tu, thì thử nghĩ xem: mình tạo cái phước hữu lậu cao vời vợi có hạnh phúc ở chỗ nào không?
Người ta làm vua mà còn thấy cần phải bỏ, còn mình lại cố tạo ra cái nghiệp này mong làm giàu, để kiếp này tôi nghèo, kiếp sau được sinh vào nhà giàu mà hưởng của. Nói đó là sung sướng thì mấy người này là những người ngu nhất. Càng giàu thì càng khổ, chứ đừng tưởng là sung sướng, bởi vì đó là cái phước hữu lậu mà thôi.
Bây giờ Thầy đặt một vấn đề: Ví dụ, một vị hòa thượng trong hàng giáo phẩm, được đệ tử, Phật tử và những người có uy tín tôn xưng, kính trọng… Vậy vị này có được giải thoát không, so với một vị tu sĩ tu hành trong rừng?
Đâu có giải thoát được! Ông đau này… đệ tử đến khóc, đến lôi, đến mời đi bệnh viện khổ sở. Còn ở trong rừng tu hành, khi đau bệnh, ông dùng thiền định đẩy lui, không ai quấy rầy ông được hết. Người này vô lậu, còn người kia là hữu lậu. Được người hầu kẻ hạ, nhưng liệu người hầu kẻ hạ có để họ yên không? Khi so sánh, mình phải nhận thức rằng mình đang tạo thêm cái hữu lậu cho đau khổ này. Giàu có đâu phải là hạnh phúc.
Sư P.N: Chỉ cách tu là chuyển nghiệp mà chỉ ba cái lòng vòng đó…
Thầy: Ba cái lòng vòng để chuyển cái khổ thêm chứ đâu phải là chuyển nghiệp.
Sư P.N: Hành giả họ không biết nên họ cứ đi lún vào.
Thầy: Lún vào, thành ra bây giờ hầu hết Phật tử chúng ta đều bị lún vào. Từ cái nghiệp nghèo tạo thành cái nghiệp giàu. Nghiệp giàu đâu phải là phước vô lậu?! Nó là hữu lậu, càng giàu lại càng khổ, chứ đâu phải sung sướng gì.
Sư PN: Đầy đủ quá, rồi có xe và không có xe…
Thầy: Thực tế thì nó rõ ràng, nhưng khi nhìn lại trong tâm trạng của người giàu đó họ sẽ thế nào? Bây giờ, người không có xe ít khi gặp tai nạn giao thông. Còn người giàu, họ có xe, coi chừng tai nạn giao thông xảy ra, một sự mất mát cũng là đau khổ, họ còn đau khổ hơn nhiều người nghèo nữa.
Khi suy tư mình mới thấy được, còn nếu không suy tư, tức là ở trong tà kiến, thì sẽ thấy hạnh phúc thật. Nhưng khi có chánh kiến rồi thì thấy cái này không hạnh phúc đâu.
Bởi vì Đức Phật dạy Bát Chánh Đạo, có chánh kiến và chánh tư duy. Nếu có chánh kiến, chánh tư duy đúng đắn, thì người ta đâu có ham muốn cái xe? Người có tà kiến, tà tư duy mới ham cái xe. Cũng giống như người ham chùa to Phật lớn và người không ham chùa to Phật lớn, thì chúng ta có thể nhận biết ai có chánh kiến, ai có tà kiến. Đó là những điều chúng ta có thể xác định. Nếu không khéo chúng ta chuyển nghiệp mà lại huân thêm nghiệp, chứ không phải là chuyển nghiệp.
[1] Sư Phước Nhẫn hỏi trong album pháp âm Tham Vấn Sơ Thiền, băng số 3B.
THÔNG TIN TÁC GIẢ
BÌNH LUẬN
VIẾT BÌNH LUẬN
THÔNG TIN BỔ SUNG
-
Tác giả
Trưởng lão Thích Thông Lạc
-
Đối tượng
Thích Phước Nhẫn
-
Chuyển ngữ bởi
Thư viện Thầy Thông Lạc
-
Thời gian
2000
-
Khổ giấy
13x20,5 cm
-
Số trang
12
-
Thể loại
Chép lời Thầy
-
Dữ liệu
File pdf, epub
-
Ngôn ngữ
Tiếng Việt
-
Phù hợp cho
Máy tính, máy tính bảng, smartphone
Ban biên tập
“Người ta thường hiểu giàu là sướng. Khi ở trong cái nghèo mình thấy cái giàu là sung sướng. Nhưng sự thật, khi lọt vào nhà giàu rồi thì cũng không sung sướng đâu, vẫn còn khổ. Đức Phật là vua mà còn bỏ ngai vàng đi tu, thì thử nghĩ xem: mình tạo cái phước hữu lậu cao vời vợi có hạnh phúc ở chỗ nào không?” (Trưởng lão Thích Thông Lạc)
Ban biên tập
“Khi định nghĩa chữ “nghiệp”, chúng ta phải hiểu rằng: cần nhiều lần hành động qua thân, khẩu, ý thì mới tạo thành nghiệp, chứ không phải chỉ trong một lần. Người ta nói nghiệp là thói quen, điều đó đúng. Thói quen là nghiệp, nghiệp là thói quen. Nhưng mình cần hiểu rõ rằng: khi nhiều hành động được huân tập lại thì tạo thành cái lực. Nếu huân quá nhiều, thì lực ấy càng mạnh. Đó gọi là nghiệp.” (Trưởng lão Thích Thông Lạc)
Ban biên tập
“Nghiệp phải được hiểu rõ như sau: Khi một hành động xảy ra lần đầu, đó là cái nhân. Hành động thứ hai tiếp tục cái nhân thứ hai, hành động thứ ba tiếp tục nữa… Về mặt danh từ, gọi đó là “huân nghiệp”. Ví dụ như bây giờ, lần đầu tiên có người chọc mình, mình nổi sân, đó mới chỉ là cái nhân, chưa thành nghiệp. Đến lần thứ hai, thứ ba, nếu mình tiếp tục huân như vậy, thì nó mới trở thành cái lực, gọi là nghiệp. Thầy muốn nói ở đây, khi đã trở thành thói quen rồi, thì thói quen mới thành nghiệp.” (Trưởng lão Thích Thông Lạc)
Ban biên tập
“Thân Hành Niệm là tu trên hành động của nó chứ gì? Mà ý phải là chủ hành động, tức là làm chủ cái nghiệp, cho nên vì vậy gọi là chuyển nghiệp; nếu mình không làm chủ thì không gọi là chuyển nghiệp. Hầu hết là mình làm theo nghiệp chứ không phải là mình làm chủ nghiệp. Còn người tu người ta tập Thân Hành Niệm rồi người ta thấy rõ ràng là hành động của mình phải đi sau ý thức của mình, cho nên đó là chuyển nghiệp, đúng chưa? Vì vậy luôn luôn ở trong tầm thiện chứ không phải tầm ác, nó chuyển hết nghiệp.” (Trưởng lão Thích Thông Lạc)