Ngày đăng  

07/01/2025, 19:01

NỘI DUNG MÔ TẢ

Này quý thầy, Thầy dạy giáo án này mục đích là cho quý thầy biết pháp nào là ác, pháp nào là thiện, để dứt bỏ pháp ác, tăng trưởng pháp thiện, chứ không phải để quý thầy thấy cái sai, cái đúng của thế gian, rồi bài bác, chống đối người khác… Hiểu như vậy mới biết được tâm trạng của Thầy khi giảng giáo án này.
Trưởng lão Thích Thông Lạc

Quý bạn đọc vui lòng chọn định dạng pdf hoặc epub, rồi nhấn nút Đọc ở trên để đọc toàn bộ nội dung tư liệu, hoặc xem trực tiếp như sau:

Chơn Như, Mùa An Cư 1997

LỜI HUẤN TỪ KHI TIẾP NHẬN GIÁO ÁN

Này các Thầy! Thầy dạy giáo án này nhằm phục hồi giáo pháp chân chính của Đạo Phật, với đầy đủ lý pháp và hành pháp, giúp mọi người tự thắp đuốc lên mà đi, không còn lầm đường lạc lối, nếu họ có quyết tâm tìm đường giải thoát khổ đau và chấm dứt luân hồi”.

Ở đây, Thầy giảng pháp này để chúng ta nhận ra con đường đi, biết cách hành trì nhằm chấm dứt đau khổ, chấm dứt luân hồi.

“Ở đây, các thầy đừng nghĩ rằng Thầy thuyết giảng giáo án này nhằm thu hút đệ tử của người khác, khiến họ trở về quy y với Thầy. Quý thầy chớ có hiểu như vậy! Bổn sư của quý thầy thì quý thầy hãy giữ nguyên vị bổn sư ấy cho quý thầy”.

Không khéo nghe Thầy thuyết giảng rồi ở đâu cũng ùn ùn kéo tới xin Thầy quy y. Thầy không hề mong muốn điều đó. Mà Thầy chỉ mong quý thầy đã nương theo vị bổn sư nào tu hành theo Phật pháp, thì các vị bổn sư đó vẫn là những vị thầy của quý thầy, chứ đừng có lấy Thầy mà làm thầy. Thầy chỉ đưa ra giáo án cho quý thầy biết được đường đi để tu hành cho đúng mà thôi, chứ đừng có bỏ họ, nghĩ họ là như thế này thế khác. Điều đó là điều sai quấy.

Vì vậy, hôm nay Thầy nhắc nhở điều này để quý thầy hiểu. Ở đây, Thầy chỉ dựa theo lời Phật dạy trong kinh mà can ngăn, dứt bỏ, chứ không có ý bài bác người này hay người kia. Do đó, qua bài này, Thầy muốn quý thầy hiểu cái lòng của Thầy trên con đường xây dựng giáo án này.

“Quý thầy đừng nghĩ rằng Thầy giảng giáo án này là để quý thầy từ bỏ những kinh sách của mình. Xin quý thầy chớ hiểu như vậy! Quý thầy hãy giữ nguyên kinh sách của mình”.

Nghĩa là, quý thầy học kinh sách nào, theo đạo nào thì cứ giữ nguyên, chứ đừng có bỏ. Nếu quý thầy nhận thấy đường lối giáo án mà Thầy dạy theo Đạo Phật có lợi ích, có giải thoát, thì hãy tập luyện theo để đạt được lợi ích ấy. Chứ quý thầy đừng ném, quăng, hay đốt bỏ những kinh sách này, đó là điều không đúng!

Cho nên, ở đây Thầy muốn nhắc nhở quý thầy. Hiện tại, nếu các thầy có cả một tủ kinh sách của các tôn giáo khác, các thầy cũng không được ném bỏ, đừng xem chúng là tầm thường, mà hãy giữ nguyên. Đừng phê phán chúng bằng cách này, cách khác, là các thầy đã sai.

Các thầy chỉ biết giáo án Thầy đã nêu ra đây để giúp cho quý thầy đi trên con đường thiện, để giải thoát cho quý thầy được cái nhân ác, để giúp quý thầy hưởng được phước báu giải thoát, chứ không phải quý thầy coi thầy mình không ra gì, coi kinh sách mình đang học không ra gì, thì cái điều đó là điều không đúng.

“Quý thầy đừng hiểu rằng Thầy giảng giáo án này là để quý thầy từ bỏ gia đình, sống không gia đình; từ bỏ tài sản lớn, tài sản nhỏ; từ bỏ bà con quyến thuộc lớn, quyến thuộc nhỏ để xuất gia tu hành. Xin quý thầy chớ có hiểu như vậy! Tất cả những gì của quý thầy, thì quý thầy hãy giữ nguyên như vậy”.

Nghĩa là, tình cảm thương yêu gì quý thầy cứ giữ nguyên như thế. Rồi quý thầy tu tập đến chừng nào đó nó đã ly thì ly. Chứ quý thầy đừng có nghe Thầy nói, bảo như vậy, rồi quý thầy cách ly gia đình mình bằng cách này cách kia. Bởi vì Thầy hiểu rõ tâm trạng của quý thầy là tâm trạng không hiểu rõ, không thông minh.

Ở đây, Thầy khai triển để chúng ta hiểu rõ pháp đúng mà thực hiện con đường giải thoát, chứ không phải nghe như vậy rồi về nạt nộ vợ con, nói rằng tụi bây là báo này kia nọ, nhà cửa, tài sản là oan gia tội báo, làm cho tao dính mắc, thì đó là sai. Chúng ta đừng có vội vàng, mà hãy thực hiện những pháp này, trau dồi lần lượt rồi tự nó thấy cái đúng cái sai, chứ đừng có về mà xua đuổi bằng cách khác, thì điều đó là điều sai.

“Quý thầy cũng đừng hiểu Thầy giảng giáo án này là dạy quý thầy từ bỏ các phong tục tập quán, hoặc tụng kinh, cúng bái, cầu siêu cầu an, mê tín, coi sao bói quẻ, coi ngày tốt xấu, hoặc bỏ phế tất cả các nghề nghiệp. Quý thầy đừng có hiểu như vậy, mà hãy giữ nguyên như cũ!”.

Nghĩa là quý thầy cứ hoàn toàn giữ nguyên, đừng có chê bai nó. Hầu hết quý thầy nghe rồi mượn chỗ giáo án của Thầy chỉ trích người này cúng bái, cầu siêu đều là bậy, coi sao bói quẻ đều là sai, hay coi ngày tốt xấu đều là bậy… Đừng có nói những điều đó, mà chúng ta hãy tu. Chúng ta biết đó là những pháp ác, đem đến cho chúng ta khổ đau, thì chúng ta không làm mà thôi.

Quý thầy cứ nghĩ quý thầy bây giờ làm cái nghề gì đó mà giết hại chúng sanh, làm đau khổ chúng sanh, thì quý thầy không làm, chứ không phải quý thầy bài bác người khác, đừng có nói! Người ta, ai có nghiệp nấy, người ta làm, còn mình nói là coi chừng mình bị phạm đó. Đó là cái chỗ thầy cảnh giác, khi nghe Thầy giảng rồi quý thầy dễ lầm lạc lắm.

Cũng như nghe Thầy dạy tu Tứ Vô Lượng Tâm, tâm từ, tâm bi, mà nếu chúng ta hốt cơm cho chó, cho kiến ăn, thì đó là điều sai. Cơm của đàn na thí chủ người ta làm bằng mồ hôi nước mắt, còn con vật là nghiệp báo của nó. Tại sao chúng ta lại hốt mồ hôi nước mắt của người khác trong khi chúng ta đang ăn nhờ của họ. Đó là tâm từ sai, tâm từ không trí tuệ.

Chùa mình không nuôi chó, mà Phật cũng đâu có nuôi chó bao giờ. Thế nhưng hễ gặp con chó nào là lại đem cơm cho nó ăn, thành ra bây giờ một bầy chó kéo đến ở. Bởi vì chỗ đó có ăn thì nó phải đến chứ gì? Thầy thấy thất nào có bỏ cơm cho chó ăn, thì cái thất đó chó cứ lảng vảng hoài, còn thất nào không cho chó ăn thì không có chó lảng vảng. Mình quyến rũ người ta, mình tạo cho người ta cái nghiệp nợ. Mình ăn cơm của đàn na thí chủ, thử hỏi mình đã trả được cái nợ này chưa? Cái nợ này rất lớn, tu hành chưa xong thì cái nợ này ngàn đời biết có trả hết không?

Lòng từ của mình phải bằng mồ hôi nước mắt do chính mình làm ra thì mới gọi là lòng từ. Còn cái này mình mượn hình thức tu hành để lấy của người ta rồi đem cho người khác, thì như vậy mình có lòng từ không? Trong khi người ta làm ra của cải bằng mồ hôi nước mắt dành ra. Đó là những cái hiểu sai, lầm lạc.

Bài này Thầy vạch ra cho các thầy thấy sai lệch của các thầy. Khi nghe nói đến từ, bi, hỷ, xả, các thầy tưởng làm như vậy là đúng. Nhưng không đúng đâu!

Cho nên, khi nghe giáo án của Phật nói như vậy, phải trắng bạch như vỏ ốc, là về chúng ta làm cách này cách khác, làm cho gia đình tan nát, khổ sở. Có nhiều người đã hiểu qua lời dạy của Thầy về làm đau khổ gia đình, đã không thấy sự giải thoát, mà thấy địa ngục trước mắt. Đó là những cái hiểu lầm lạc lời Thầy dạy. Nếu Thầy không có lời cảnh báo này, thì chắc chắn là Đạo Phật đưa đến khổ đau cho thế gian, chứ chưa phải là hạnh phúc cho ai hết.

“Quý thầy cũng đừng hiểu Thầy giảng giáo án này để quý thầy từ bỏ các phong tục”.

Nghĩa là Tết nhất, mùng Năm, cúng bái, giỗ quảy này kia, v.v.. thì về bác sạch hết, không ai cúng bái gì nữa. Điều đó là sai, không đúng!

Cho nên, chúng ta phải giữ nguyên như cũ. Ai làm gì thì làm, còn ta biết cái đó là pháp ác thì không làm. Ví dụ, trong nhà mình đến ngày cúng bái, người ta giết heo, giết bò, thì mặc người ta, không có được cản. Mình đừng nên giết, đừng nên ăn thịt là đúng, vì mình biết đó là pháp ác, chứ mình chưa có đủ sức độ ai hết. Đừng có học ở đây, rồi mình đem ra nói người này, người kia làm ác này nọ… Đó là phong tục người ta đã quen rồi, để cho người ta làm.

Cho nên, có nhiều người hỏi Thầy: “Bây giờ con là người nội trợ trong nhà bếp, ngày tư, ngày Tết, mà trong nhà còn ăn thịt chúng sanh thì phải làm thịt này kia, phải làm thực phẩm từ chúng sanh như vậy, con biết ăn chay thì phải làm sao?”.

Hỏi như vậy, Thầy thấy rất là ngu ngơ, không biết gì hết. Nghĩa là mình phải làm cho mọi người vui ở trong gia đình. Bây giờ mọi người đang theo phong tục như vậy, người ta quen như thế, mình là người dâu con trong nhà, phải làm sao cho mọi người vừa lòng. Cái tâm của mình biết như vậy thì mình đừng ăn thịt chúng sanh. Mình biết như vậy, mình đừng mua con gà sống về cắt cổ, mà hãy mua con gà chết người ta làm sẵn. Mình phải khéo léo linh động để bớt đi bàn tay đẫm máu của mình. Và mình biết trong thiện pháp cũng từ từ tập, chứ không lẽ bây giờ đùng một cái mình không làm gì hết.

Ví dụ, giờ nấu chay đậu hũ đi, trong nhà mọi người không bằng lòng thì mình làm chuyện đó sao được!? Đó là tu chứ không phải là thành Phật liền. Nghe cái như là mình thành Phật rồi, từ bi dữ lắm rồi. Bao nhiêu kiến cũng đổ cho ăn, ăn xong nó cắn mình gần chết. Đó là quá ngu! Phật gì mà ngu quá ngu!

“Quý thầy đừng nghĩ rằng Thầy giảng giáo án này là Thầy dạy quý thầy bỏ chùa to, tháp lớn, bỏ phế Giáo hội, bỏ phế sự giảng dạy kinh sách, bỏ phế các pháp yết ma, bỏ phế các pháp thiền định mà quý thầy đang tu tập. Quý thầy đừng có nghĩ như vậy, mà hãy giữ nguyên tất cả!”.

Nghĩa là, nếu mình xét thấy các pháp thiền này không đúng thì mình đừng tu, chứ không được bỏ, vì bỏ là mình bài bác. Còn ai chưa hiểu thì họ tu theo cách nào thì tu, mình không được nói một lời nào. Nói rằng, anh tu như vậy là sai, đó không phải là pháp Phật, thì đó là bài bác người ta, tức là có sự tranh luận, chống trái nhau.

Cho nên ở đây, Thầy cảnh giác vấn đề như vậy qua bài pháp này để quý thầy hiểu được tâm trạng của Thầy, không muốn có sự chống trái nhau trên con đường tu tập theo Đạo Phật, dù là giáo pháp của ai cũng đều phải quý trọng. Họ có đi tới được hay không, mình không đụng chạm.

Chứ không phải thấy mình tu tập giới luật được, rồi bắt đầu chê bai người khác. Đó là cái sai, là pháp ác, chứ không phải là pháp đúng. Ai làm gì thì mặc họ, chúng ta chỉ cần cố gắng làm sao cho tâm mình được giải thoát trong pháp thiện, đem lại an vui và hạnh phúc cho mình trước, rồi sau đó làm gương hạnh sống để người ta thấy đúng rồi theo. Chứ không phải bảo người ta, dạy người ta bằng miệng lưỡi, mà người ta theo đâu.

“Quý thầy đừng nghĩ rằng Thầy giảng giáo án này là muốn quý thầy từ bỏ những gì mà các tổ đã truyền thừa, tổ tổ truyền nhau. Quý thầy đừng nghĩ như vậy! Tất cả những gì mà các tổ đã truyền cho quý thầy, quý thầy hãy giữ nguyên như cũ”.

Nghĩa là nếu ông thầy dạy mình cúng bái, tụng niệm, kệ ngâm hay bất cứ điều gì, thì giờ đây cũng hãy làm y như vậy. Nhưng nếu mình thấy điều đó không đem đến thiện pháp, thì lần lần tự sửa lấy mình. Rồi mình dần dần tu tập để đi vào con đường thiện pháp mà Đức Phật đã chỉ dạy. Chớ không nên nói thầy tổ mình làm như vậy là sai, là trật, là mê tín. Không được nói những điều đó. Cái ý mà Thầy muốn giảng trong bài này là như vậy.

“Quý thầy đừng nghĩ rằng Thầy giảng giáo án này là Thầy muốn quý thầy từ bỏ nghề thầy thuốc trị bệnh, làm việc từ thiện, bố thí, v.v.. Quý thầy chớ nghĩ như vậy! Tất cả những gì làm lợi ích cho mọi người, cho xã hội, quý thầy hãy giữ nguyên”.

Nghĩa là quý thầy biết được các pháp ác để tu tập và trau dồi tâm thương yêu của mình. Còn những việc làm kia thì hãy giữ nguyên. Chứ quý thầy đừng lấy cái đó rồi bỏ, rồi xiên qua một góc độ khác, thì không phải là ý của Thầy khi giảng giáo án này.

“Quý thầy cũng đừng nghĩ rằng Thầy giảng giáo án này là muốn quý thầy không viết kinh, soạn sách, dịch kinh, viết báo. Quý thầy chớ có nghĩ như vậy! Tất cả những điều mà quý thầy đã làm có tính chất phổ biến mọi đường lối tu tập, thì quý thầy cứ giữ nguyên”.

Nghĩa là mọi đường lối đó đều có thể là tốt, chứ không phải xấu đâu. Nó không giúp ích cho người ta ở mặt này thì nó cũng giúp ích cho người ta ở mặt khác. Cho nên, cứ giữ nguyên mà làm, nhưng quý thầy hãy sửa những điều không tốt, điều ác, hành động ác, hành động không tốt trong tâm của mình theo giáo án của Phật để được giải thoát.

“Quý thầy cũng đừng hiểu rằng Thầy giảng giáo án này là chống trái, bài bác quý thầy phá giới, phạm giới, mà tất cả những gì quý thầy đang sống, quý thầy cứ giữ nguyên”.

Nghĩa là đừng nghĩ rằng Thầy dạy giáo án này là để chống trái với những thầy phá giới, không phải đâu!

Nghĩa là quý thầy đó làm những gì thì mặc, cứ giữ nguyên chứ không phải bắt buộc họ phải giữ gìn ngày ăn một bữa giống như Thầy, hoặc ngủ ít, hoặc độc cư, hoặc là nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng ai hết. Thầy không bắt buộc họ. Tất cả giáo án này không bắt buộc người nào hết. Miễn là người đó nhận ra pháp ác, pháp thiện để dứt bỏ pháp ác, tăng trưởng pháp thiện, thì họ hưởng được sự giải thoát. Có như vậy thôi! Giáo án này ra đời là nhằm mục đích như vậy. Ai thấy được cứ thực hiện, ai thấy không được thì thôi. Chứ không được theo chỗ giáo án này mà bài bác người ta đúng hay sai, điều đó là không được.

“Quý thầy cũng đừng hiểu Thầy dạy giáo án này là bắt buộc quý thầy phải tu theo Giới – Định – Tuệ của Đức Phật, quý thầy đã tu theo Giới – Định – Tuệ nào thì quý thầy cứ giữ nguyên như vậy!”.

Nghĩa là mình tu theo Giới – Định – Tuệ nào, của kinh điển nào thì cứ giữ nguyên. Nếu mình thấy được Giới – Định – Tuệ của Đức Phật đúng, thì cố gắng khắc phục dần dần theo đó. Còn những Giới – Định – Tuệ nào mà không đúng, có ác pháp trong đó, có những cái phi thời trong đó, thì lần lần chúng ta dứt bỏ, chứ không nói nó là đúng, là sai. Chúng ta từ từ dứt chứ không phải là chúng ta dứt được ngay đâu.

Giờ có quý thầy cũng nói tu Giới – Định – Tuệ, nhưng mà một ngày ăn hai, ba bữa, thì đó là phi thời. Mình không nói là phi thời, mà mình biết rằng Giới – Định – Tuệ của Phật dạy ngày ăn một bữa mới không phi thời, thì mình dần dần sửa đổi. Bởi vì mình còn đang ăn ba bữa một ngày, nên mình sửa lần để ăn ngày một bữa. Đó là đi vào thiện pháp, không còn phi thời nữa.

Còn nếu quý thầy thấy người khác chưa hiểu biết, hoặc đã hiểu nhưng chưa khắc phục được, thì mình không được phê bình, không được nói rằng Giới – Định – Tuệ của họ là sai, hay nói rằng đó là Giới – Định – Tuệ của Đại Thừa chứ không phải của Tiểu Thừa. Mình đừng nói những điều đó, vì nói như vậy là không tốt.

“Này quý thầy, Thầy giảng giáo án này là chỉ cho quý thầy biết nó là những pháp bất thiện mà chưa được từ bỏ, làm cấu uế, đưa đến tái sanh luân hồi, đem lại khổ đau, đưa lại quả khổ, đem lại già chết trong tương lai”.

Nghĩa là Thầy dạy giáo án này, mục đích của nó để giúp cho quý thầy biết pháp nào là bất thiện, pháp nào là thiện. Pháp bất thiện mà quý thầy chưa từ bỏ thì hãy cố gắng mà từ bỏ, vì pháp bất thiện đó làm cho cấu uế, đưa đến sự tái sanh luân hồi, làm cho đau khổ, đưa đến quả khổ, đem lại già chết ở trong tương lai của chúng ta.

Nghĩa là giáo án Thầy dạy cho quý thầy biết pháp thiện, pháp bất thiện, để cho quý thầy tu tập dứt bỏ nó, chứ không phải đem ra để quý thầy thấy cái sai, cái đúng của thế gian. Phải hiểu như vậy mới biết được cái tâm trạng của thầy khi giảng giáo án này.

Tại sao từ xưa Thầy không giảng giáo án này? Vì Thầy thấy chưa đủ duyên, đồng thời nói ra sợ người ta sẽ không hiểu mình. Thầy sợ rằng khi giảng ra, người ta sẽ nghĩ Thầy có ý chống báng mọi Phật pháp ở trên thế gian.

Thầy giảng giáo án này có những pháp thiện mà quý thầy chưa được trau dồi, như giáo án Tứ Vô Lượng Tâm để trau dồi tâm từ, tâm bi, tâm hỷ, tâm xả, mà quý thầy chưa được trau dồi, nên bây giờ Thầy giảng cách thức để quý thầy biết, nhằm rèn luyện tâm mình đi vào thiện pháp. Mục đích của Thầy là như vậy.

“Thầy giảng giáo án này, có những thiện pháp mà quý thầy chưa được trau dồi tu tập để được thanh tịnh, không làm cấu uế, chấm dứt tái sanh luân hồi, hết sự đau khổ, đưa đến quả lành, không già, bệnh, chết”.

Mục đích của thầy giảng giáo án này để quý thầy trau dồi để thân tâm mình thanh tịnh, để không còn cấu uế, không còn ô nhiễm nữa, chấm dứt sự tái sanh luân hồi đau khổ, đưa đến những quả lành và thoát khỏi già, bệnh, chết. Mục đích của giáo án là như vậy, chứ không phải mục đích như hồi nãy nói ở trên, cho nên các thầy đừng hiểu như những cái ở trên, đó là sai.

“Những pháp ấy Thầy đã giảng dạy trong giáo án để quý thầy thực hành theo đúng lời giảng dạy của Thầy, thời các pháp cấu uế, bất tịnh và bất thiện của quý thầy sẽ được diệt trừ; các pháp thiện thanh tịnh được tăng trưởng. Quý thầy sẽ tự chứng biết, chứng ngộ và đạt đến trạng thái an trú ngay trong hiện tại, với trí tuệ cụ túc viên mãn, chấm dứt sanh tử luân hồi, làm chủ sự sống chết”.

Đó là những cái pháp mà Thầy giảng trong giáo án này để quý thầy chứng nghiệm được sự tu tập và quý thầy sẽ được an trú ngay trong hiện tại sự giải thoát đó.

Nơi quý thầy sẽ chứng minh cụ thể cho sự giải thoát, chứ không phải nói theo cách mà không có trạng thái giải thoát, gọi là “vô sở đắc” đâu. Nó có sự an lạc, giải thoát, tâm thiện, lòng thương yêu thật sự được chứng nghiệm qua sự siêng năng tu tập và trau dồi của quý thầy trong hiện tại. Ngay trong khi tu tập đã có sự chứng nghiệm đó rồi, thì quý thầy mới tin giáo án mà Thầy vạch ra có kết quả thật sự, đem lại hạnh phúc cho con người.

Đến đây, qua phần này, quý thầy đã thấy rõ rằng Thầy dạy giáo án này với ý như vậy. Chứ không phải để cho quý thầy hiểu rồi mà không có cảnh giác, không có răn nhắc quý thầy, làm cho quý thầy không hiểu, rồi đem ra lấy chỗ này để bài bác, chống đối người ta thế này, thế khác, thì điều đó là pháp ác, chứ không phải pháp thiện nữa.

Các thầy nhớ kỹ như vậy. Các thầy nói đúng chứ không phải sai, nhưng mà đứng trong góc độ người ta hiểu thì họ thấy quý thầy là người ác pháp chứ không phải là người thiện pháp đâu. Bởi vì người ta còn kiến chấp, còn lầm chấp, còn ôm chặt, cho nên người ta đau khổ, tức tối, giận dữ, tranh luận với quý thầy. Lúc đó quý thầy đem thiện pháp, mà biến thiện pháp trở thành ác pháp với mọi người, thì điều này quý thầy đã làm sai không đúng lời dạy của Thầy.

Cho nên, khi nghe được lời dạy của Thầy, quý thầy phải âm thầm nỗ lực tu hành, không được đem giáo án này ra dạy người khác. Tại sao vậy?

Chỉ khi nào có những người thật sự quyết tâm, tha thiết tu hành để tìm sự giải thoát, sống đúng hạnh, muốn xả bỏ, thì chúng ta mới nên cho họ đọc hoặc nghe giáo án này. Còn với những người sống phi thời, chạy theo dục lạc thế gian, nếu đem sách này ra, họ có thể tìm mọi cách chống đối, khiến người ta bị tội lỗi với Phật pháp.

Vì Phật đã dạy, chứ đâu phải là của Thầy. Thầy chỉ là người triển khai lại những lời của Phật, chứ không phải pháp này là của Thầy. Thầy đâu phải là đức giáo chủ của Đạo Phật, Thầy cũng không có giáo pháp, triết lý, hay đường lối của Đạo Phật.

Thầy chỉ khai triển lại đường lối của Đức Phật. Nếu đem pháp này cho những người đang lầm chấp, đang say mê trong dục lạc thế gian, thì họ sẽ có sự tranh luận, bài bác pháp này, tức là họ bài bác pháp của Phật. Vì vậy, điều này làm cho người ta phạm tội lỗi hơn và sẽ trôi lăn trong lục đạo sáu nẻo, không biết chừng nào họ mới gặp được Phật pháp.

Cho nên, chúng ta phải biết thương người. Biết thương người là biết cách ngăn ngừa tội lỗi của họ. Chẳng hạn, khi biết có người có ý định ăn cắp, thì mình phải cảnh giác khi để cái xe hay vật dụng gì. Nhờ cảnh giác, người đó không thực hiện được hành vi ăn cắp, vì vậy mà không bị tội lỗi.

Cũng như nếu biết thương người thì mình phải cảnh giác đừng để cho những cái pháp rơi vào những người đang sống trong dục lạc. Vì đang sống trong dục lạc họ phải có những lý luận để che đậy những điều đó, thành ra họ phỉ báng Phật pháp. Phỉ báng Phật pháp là bị tội vô lượng, khiến họ phải chịu đọa địa ngục và không biết đến bao giờ mới có thể gặp lại Phật pháp.

Cho nên, chỉ vì một duyên không tốt, họ có thể đời đời kiếp kiếp không gặp được Phật pháp. “Được thân người là khó, gặp được Phật pháp còn khó hơn”, vậy mà hôm nay, nếu chúng ta vô tình làm cho họ rơi vào vô lượng kiếp không gặp Phật pháp, thì cái đó là quá tội. Chúng ta phải biết thương người.

Vì vậy, khi đã học được giáo án này, quý thầy cần cẩn trọng trong việc truyền pháp, chứ không phải đụng đâu phô ra hết, hoặc là đăng trên báo chí hay in thành sách để bán tại các hiệu sách. Điều đó là không đúng!

Pháp này là pháp quý giá, mang đến sự giải thoát, an vui, tình thương yêu, đùm bọc lấy nhau trong mọi hình thức. Pháp này cần được xem là cái quý giá nhất trong đời sống của nhân loại. Vì thế, pháp này không được mua bán, mà chỉ được đem bố thí trao tận tay, được đem làm tài liệu học tập cho những con người có quyết tâm tìm đường giải thoát.

Còn những người chưa biết tìm con đường giải thoát, vẫn chạy theo dục lạc thế gian, ham mê những thú vui trần tục, thì họ chưa đủ duyên để nhận pháp này. Chúng ta chưa nên trao cho họ.

Chờ khi nào họ chạy theo dục lạc thế gian, đâm đầu vào cái khổ; chừng nào họ thấy đời là khổ thật, họ than thở đời không có gì là hạnh phúc, thì chúng ta mới đem cho họ xem, đưa cho họ biết để cho họ thức tỉnh. Còn với những người đang say mê tiền bạc, danh lợi, sắc dục, chúng ta hãy dừng lại đối với những người này. Cho nên, muốn trao pháp phải trao cho người có đủ duyên. Trao cho những người không đủ duyên thì họ càng làm thêm tội ác.

Đó là những lời cảnh giác, những lời khuyên của Thầy đối với quý thầy. Thầy không muốn dùng pháp này để tạo danh của mình, mà chỉ dùng pháp này để làm lợi ích cho chúng sanh.

Cho nên, đâu cần phổ biến cho rộng rãi, đâu cần quảng bá cho nó rộng lớn. Rộng lớn mà có bao nhiêu người tu được? Thà là âm thầm xem xét xem người nào đủ duyên, vì đủ duyên thì đâu họ cũng gặp, còn không đủ duyên thì dù bày bán giữa chợ họ cũng không thèm mua. Ở đây chúng ta sống trong pháp nhân duyên của Phật thì chúng ta đã hiểu rõ, và sống trong pháp nhân quả của Phật thì chúng ta cũng đã rành. Vì vậy, chúng ta ngồi đây mà chờ người có đủ duyên thì mới đem pháp trao chớ không phải đem đi bán pháp để độ người. Độ người kiểu đó là độ danh, độ lợi chứ không phải độ người.

Khi quý thầy khi trở về quê hương của mình mà có đủ duyên in được sách này thì cần phải trịnh trọng. Người nào có tâm thành đến để đảnh lễ pháp, ta mới bố thí cho họ. Người nào không đảnh lễ, dù có bỏ hàng triệu, hàng tỷ bạc chúng ta cũng chẳng cho, chứ nói gì năm ngàn, mười ngàn thì pháp bảo của Phật coi quá rẻ. Đó là những lời nhắc nhở quý thầy và cũng là những lời sau cùng khi Thầy trao giáo án này ra.

(Trích: Giáo Án Tu Tập Đường Lối Tu Hành Đạo Phật, băng số 14/61, mùa An Cư năm 1997).

THÔNG TIN TÁC GIẢ

Trưởng lão Thích Thông Lạc

Xem thêm

Lòng thương yêu (Diệu Hảo)

Trưởng lão Thích Thông Lạc

Diệu Hảo

Tất cả mọi sự việc xảy ra trong cuộc đời này con hãy nhìn nó bằng nhân quả thiện ác chứ đừng nhìn nó bằng đôi mắt đúng sai, phải trái thì mọi sự khổ đau sẽ được chấm dứt. Con luôn hãy nhớ lời dạy này, nó là bùa hộ mệnh của con.

Thấy lỗi mình đừng thấy lỗi người

Trưởng lão Thích Thông Lạc

Người thế gian chỉ vì thấy lỗi người mà phải chịu khổ trăm cay ngàn đắng, còn các con bỏ đời đi tu để ra khỏi nhà sinh tử mà còn thấy lỗi người, nay phê bình người này, mai chỉ trích người khác. Còn bươi móc chuyện thế gian xấu tốt của nhau thì đạo làm sao có ở trong các con được? Chánh đạo luôn luôn ở trong đời sống của mọi người có đạo đức, chứ đạo đâu có ở ngoài đời. Sống biết thương yêu và tha thứ mọi lỗi lầm của nhau là đạo.
5.0
Tổng 6 lượt bình luận

Thiện Tâm

10:40 08 Th1 2025
0

Con kính tri ân Thầy Cô cùng Ban Biên Tập đã chia sẽ cho chúng con những lời dạy quý báu của Đức Trưởng Lão ạ!🙏🙏🙏

Ban biên tập

07:05 07 Th1 2025
2

“Nghĩa là giáo án Thầy dạy cho quý thầy biết pháp thiện, pháp bất thiện, để cho quý thầy tu tập dứt bỏ nó, chứ không phải đem ra để quý thầy thấy cái sai, cái đúng của thế gian. Phải hiểu như vậy mới biết được cái tâm trạng của thầy khi giảng giáo án này.” (Trưởng lão Thích Thông Lạc)

Ban biên tập

07:04 07 Th1 2025
2

“Chứ không phải thấy mình tu tập giới luật được, rồi bắt đầu chê bai người khác. Đó là cái sai, là pháp ác, chứ không phải là pháp đúng. Ai làm gì thì mặc họ, chúng ta chỉ cần cố gắng làm sao cho tâm mình được giải thoát trong pháp thiện, đem lại an vui và hạnh phúc cho mình trước, rồi sau đó làm gương hạnh sống để người ta thấy đúng rồi theo. Chứ không phải bảo người ta, dạy người ta bằng miệng lưỡi, mà người ta theo đâu.” (Trưởng lão Thích Thông Lạc)

Ban biên tập

07:04 07 Th1 2025
2

“Cho nên ở đây, Thầy cảnh giác vấn đề như vậy qua bài pháp này để quý thầy hiểu được tâm trạng của Thầy, không muốn có sự chống trái nhau trên con đường tu tập theo Đạo Phật, dù là giáo pháp của ai cũng đều phải quý trọng. Họ có đi tới được hay không, mình không đụng chạm.” (Trưởng lão Thích Thông Lạc)

Ban biên tập

07:03 07 Th1 2025
2

“Quý thầy đừng nghĩ rằng Thầy giảng giáo án này là để quý thầy từ bỏ những kinh sách của mình. Xin quý thầy chớ hiểu như vậy! Quý thầy hãy giữ nguyên kinh sách của mình” (Trưởng lão Thích Thông Lạc)

Ban biên tập

07:03 07 Th1 2025
2

“Ở đây, các thầy đừng nghĩ rằng Thầy thuyết giảng giáo án này nhằm thu hút đệ tử của người khác, khiến họ trở về quy y với Thầy. Quý thầy chớ có hiểu như vậy! Bổn sư của quý thầy thì quý thầy hãy giữ nguyên vị bổn sư ấy cho quý thầy” (Trưởng lão Thích Thông Lạc)

VIẾT BÌNH LUẬN

THÔNG TIN BỔ SUNG

  • Tác giả

    Trưởng lão Thích Thông Lạc

  • Chuyển ngữ bởi

    Thư viện Thầy Thông Lạc

  • Thời gian

    1997

  • Khổ giấy

    13x20,5 cm

  • Số trang

    24

  • Thể loại

    Tâm thư

  • Dữ liệu

    File pdf, epub

  • Ngôn ngữ

    Tiếng Việt

  • Phù hợp cho

    Máy tính, máy tính bảng, smartphone