Theo Đạo Phật, con người từ nhân quả sanh ra, chết trở về nhân quả chứ không từ đâu đến và chết cũng không đi về đâu. Còn duyên vợ chồng, con cái đều là do vay nợ của nhân quả theo định luật của nhân quả “Vay thì phải trả”. Vậy, chồng vợ có số mệnh là không đúng, mà có nợ nhân quả ác hay thiện với nhau là đúng.
Quý bạn đọc vui lòng chọn định dạng pdf hoặc epub, rồi nhấn nút “Đọc” ở trên để đọc toàn bộ nội dung tư liệu, hoặc xem trực tiếp như dưới đây:
DUYÊN NHÂN QUẢ
Đào Thị Vinh vấn đạo
Hỏi: Kính thưa Thầy, vợ chồng lấy nhau người ta bảo rằng đều có số định cả, có nghĩa là người này phải lấy người mà có số định với mình, không được lấy người nào khác. Có phải vậy không thưa Thầy?
Đáp: Không phải số định mà cũng không phải số mệnh mà là duyên nhân quả nợ vay trong thuận cảnh cũng như trong nghịch cảnh.
Ví dụ: Kiếp trước chúng ta đối xử với những người làm công cho mình quá khắc nghiệt, đánh đập, chửi mắng, trả tiền công ít, v.v.. kiếp này họ làm vợ hoặc chồng hoặc con cái trong nhà, họ phá tán của cải tài sản và còn chửi mắng đánh đập, khiến cho gia đình đau khổ bất an.
Cho nên, kiếp trước gieo nhân nào thì kiếp này phải trả quả nấy. Tình nghĩa vợ chồng, con cái đều do nhân quả, chứ không phải do số mệnh duyên nợ tiền định vì không có tiền định. Tiền định là cái vật gì? Ông gì? Ông Ngọc Hoàng Thượng Đế ư?
Vì không hiểu môi trường sống nên người ta đặt ra những câu hỏi để có hỏi mà không có trả lời: “Con người từ đâu sanh ra? Chết đi về đâu?”.
Do không hiểu, người ta dùng tưởng tri tạo ra một Đấng Vạn Năng, một ông Ngọc Hoàng, một ông Trời, một ông Tạo Hóa sanh ra vạn vật trên hành tinh này. Lại có thuyết cho rằng từ trong Đại ngã vạn vật sanh ra và mỗi vật được sanh ra là Tiểu ngã, những thuyết này mơ hồ và trừu tượng không thể trả lời hai câu hỏi trên, và vì vậy hai câu hỏi trên vẫn còn đóng kín cửa.
Duyên tiền định giữa đôi vợ chồng cũng là sự tưởng tri của con người đặt ra, chứ không có số định, số mệnh. Theo Đạo Phật con người từ nhân quả sanh ra, chết trở về nhân quả chứ không từ đâu đến và chết cũng không đi về đâu.
Còn duyên vợ chồng, con cái đều là do vay nợ của nhân quả theo định luật của nhân quả “Vay thì phải trả”. Vậy, chồng vợ có số mệnh là không đúng, mà có nợ nhân quả ác hay thiện với nhau là đúng.
Nhìn cuộc sống của họ chúng ta có thể biết chắc chồng nợ vợ hay vợ nợ chồng một cách cụ thể và rõ ràng.
Vì thế, trong cuộc đời này vợ chồng thường làm khổ cho nhau nhiều hơn là đem lại hạnh phúc an vui cho nhau, họ sống với nhau phần đông là chịu đựng.
Bây giờ chúng ta quay trở lại vị trí tu hành, trước tiên chúng ta phải học đạo đức, đạo đức không làm khổ mình khổ người, đạo đức nhân bản - nhân quả, đó là một điều quan trọng đem đến lợi lạc cho quý vị sống trong gia đình đối xử với nhau, hoàn toàn đưa gia đình đến an vui, hạnh phúc chân thật.
Sống trong các đối tượng thì chúng ta phải luôn luôn dùng đôi mắt và trí tuệ của chúng ta phải thấy bằng nhân quả thiện ác, chứ không nên sống bằng đúng sai phải trái. Dưới tâm dục của mình thì cái gì của mình cũng đúng hết, cái gì của người khác cũng là sai, do đó mình làm sao biết cái sai, cái đúng được.
“Cho nên, kiếp trước gieo nhân nào thì kiếp này phải trả quả nấy. Tình nghĩa vợ chồng, con cái đều do nhân quả, chứ không phải do số mệnh duyên nợ tiền định vì không có tiền định.” (Trưởng lão Thích Thông Lạc)
Ban biên tập
“Cho nên, kiếp trước gieo nhân nào thì kiếp này phải trả quả nấy. Tình nghĩa vợ chồng, con cái đều do nhân quả, chứ không phải do số mệnh duyên nợ tiền định vì không có tiền định.” (Trưởng lão Thích Thông Lạc)