NỘI DUNG MÔ TẢ
Bây giờ chúng ta quay trở lại vị trí tu hành, trước tiên chúng ta phải học đạo đức, đạo đức không làm khổ mình khổ người, đạo đức nhân bản – nhân quả, đó là một điều quan trọng đem đến lợi lạc cho quý vị sống trong gia đình đối xử với nhau, hoàn toàn đưa gia đình đến an vui, hạnh phúc chân thật.
Quý bạn đọc vui lòng chọn định dạng pdf hoặc epub, rồi nhấn nút “Đọc” ở trên để đọc toàn bộ nội dung tư liệu, hoặc xem trực tiếp như dưới đây:
Chơn Như, ngày tháng năm 2006
HỌC ĐẠO ĐỨC
Bây giờ chúng ta quay trở lại vị trí tu hành, trước tiên chúng ta phải học đạo đức, đạo đức không làm khổ mình, không làm khổ người, đạo đức nhân bản – nhân quả, đó là một điều quan trọng đem đến lợi lạc cho quý vị sống trong gia đình đối xử với nhau, hoàn toàn đưa gia đình đến an vui, hạnh phúc chân thật.
Ví dụ 1: Bây giờ mình muốn đi tu mà vợ con không cho đi, nhất định chúng ta không được đi. Tại sao vậy?
Mình đi tu vợ con mình đau khổ, nhớ thương, cho nên mình không đi. Mình không đi không có nghĩa là mình không tu, vì Đạo Phật dạy ta tu tập nhẫn nhục, tùy thuận. Nhẫn nhục trước sự không bằng lòng của vợ con, nhưng chúng ta tùy thuận không bị lôi cuốn vào con đường ái kiết sử, đó là cách khéo léo đưa dần cả gia đình đến với Phật pháp.
Cả gia đình chúng ta là một cụm nhân quả, chúng ta không thể bỏ đi tu để vợ con buồn khổ như thế này được. Cho nên, chúng ta phải sống trong gia đình, chúng ta phải làm những gương hạnh gì để dẫn dắt vợ con mình theo đường lối đạo đức của Phật giáo. Mình phải làm gương hạnh đạo đức hẳn hoi để giúp cho gia đình mình an vui, vợ con đồng hướng theo một hướng tốt. Chờ đến khi đủ duyên chúng ta ra đi vợ con rất sung sướng, là vì mong cầu cho chồng mình đi tu, còn con cái ước ao người cha của mình thực hiện được đạo giải thoát để về dìu dắt mẹ và anh chị em mình cùng đi trên con đường đó. Nếu cả gia đình đều đồng ý thì hạnh phúc biết bao! Vậy mình phải sống như thế nào để sống đúng đạo đức làm gương trong gia đình, không những làm gương cho gia đình mình mà còn làm gương cả xóm giềng chung quanh mình nữa. Vậy sống như thế nào để mình dẫn dắt những người chung quanh xóm giềng của mình?
Ví dụ 2: Một nhà hàng xóm bên cạnh ngay trước nhà mình thường hay ném rác bẩn sang nhà mình, mình cứ xách chổi ra quét dọn sạch sẽ không la lối chửi mắng ai cả và như vậy chúng ta đã dạy cho họ một bài học đạo đức, chắc chắn một ngày nào đó họ sẽ trở thành người tốt. Người ta đã vô minh không hiểu đạo đức vệ sinh, người ta chỉ nghĩ đến cá nhân chứ không nghĩ đến ai hết. Đạo đức dạy chúng ta nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng, vì thế tốt hơn hết mình cứ vui vẻ, quét dọn sạch sẽ và nghĩ rằng: đây là nhân quả đời trước của mình, mình có nợ với người này, người này mới xả rác như vậy thì mình cứ vui vẻ làm đi, làm cho sạch, làm cho người đó họ ngạc nhiên và tự hỏi: Tại sao ông ta không tức giận mình? Nếu người khác lùa rác, lùa chất bẩn vô nhà mình thì mình có giận không?
Mình tin chắc sớm muộn gì người ta cũng ý thức được điều đó, chứ không phải không. Nhưng mình phải bền chí để giáo dục đạo đức cho người. Khi nhân quả thiện của mình tạo ra đến lúc chín muồi, nó sẽ chuyển đổi thì người ta sẽ hối hận tức khắc và sẽ đến xin lỗi mình, bởi vì nhân quả nó chuyển đổi chứ không phải cố định. Ví dụ bây giờ thấy người ta đổ rác làm bẩn nhà mình, mình tức giận tức là mình bị nhân quả chuyển, chuyển từ nhân đến quả. Còn mình chuyển nhân quả thì mình không tức giận, do đó mình trả hết các nợ nhân quả đời trước. Khi nhân quả trả hết thì không bao giờ người ta làm bẩn trong nhà mình nữa.
Mình phải thấy rằng nhân quả nó chuyển biến, chuyển biến để làm cho cuộc sống từ bất yên ổn trở thành yên ổn, thanh tịnh, hoà hợp với nhau, nó không làm động nhau nữa.
Chỗ tu tập của Đạo Phật Nguyên Thủy không có dạy người ta vào chùa tụng kinh, gõ mõ, lạy sám hối để cầu chư Phật phù hộ cho chúng ta bình an, tai qua nạn khỏi. Chúng ta có lầm lỗi, nhưng biết sự lầm lỗi đó là ác pháp, do đó chúng ta nhất quyết không làm lỗi nữa. Khi không làm lỗi nữa là phải tự mình, chứ không ai giúp mình hết làm lỗi, cho nên Đức Phật bảo: “Các con hãy tự thắp đuốc lên mà đi!”. Bây giờ mình không thắp đuốc lên đi mà cứ vô chùa tụng kinh cầu chư Phật phù hộ cho mình được sao? Tại sao mình đi ngược lại lời dạy của Đức Phật như vậy, làm sai như vậy mà bảo mình tu theo Phật giáo, cái đó là cái sai.
Tu theo Phật giáo là chúng ta phải tự lực. Mỗi một ác pháp đến làm cho tâm chúng ta chướng ngại thì ngay đó chúng ta xả, xả tức là chúng ta chuyển đổi được nhân quả.
Để nhắc lại ví dụ trên: Có người đưa rác làm bẩn nhà mình, mình cứ vui vẻ quét hốt, dọn dẹp sạch sẽ, không tức giận, tức là đầu tiên mình chuyển được tâm nhân quả của mình, kế đó nữa mình thấy được cái nhân quả của mình và tự nguyện sẽ hốt sạch rác này cho đến khi trả hết nghiệp. Khi hết nghiệp, chắc chắn chúng ta sẽ cảm hoá được người làm bẩn nhà mình, nếu tôi cảm hoá được người này thì họ không còn là người xấu. Họ không còn là người xấu thì tôi rất mừng, vì tôi đã dẫn dắt họ vào con đường đạo đức. Do đó, tôi phải bền chí tôi làm việc này, một tháng chưa xong, hai tháng chưa xong, một năm, hai năm, cho đến ba năm, chắc chắn tôi sẽ cảm hoá được người này bằng những hành động vui vẻ không giận hờn người này. Như vậy, rõ ràng chúng ta đang theo pháp Phật dạy: ngăn ác diệt ác pháp, đó là cách thức tu tập của chúng ta, có giải thoát ngay liền.
Đây là một ác pháp nữa, ví dụ: Người ta chửi mình, mình giận dữ tức là mình đem ác pháp vào trong tâm của mình, mình tự làm khổ mình, chứ có lợi ích gì đâu. Nếu người ta chửi mình, mình không giận tức là mình không đem ác pháp vào tâm mình, mình không làm khổ mình và như vậy mình có lợi ích lớn cho mình.
Tóm lại, một người tâm bất động trước các ác pháp là người sống có đạo đức với mình với mọi người.
THÔNG TIN TÁC GIẢ
BÌNH LUẬN
VIẾT BÌNH LUẬN
THÔNG TIN BỔ SUNG
-
Tác giả
Trưởng lão Thích Thông Lạc
-
Thời gian
2006
-
Khổ giấy
13x20.5 cm
-
Số trang
8
-
Thể loại
Tâm thư
-
Dữ liệu
file pdf, epub
-
Ngôn ngữ
Tiếng Việt
-
Phù hợp cho
Máy tính, máy tính bảng, smartphone
Ban biên tập
“Người giữ tâm bất động trước ác pháp là có đạo đức với mình và mọi người” (Trưởng lão Thích Thông Lạc)
Ban biên tập
Tu hành chính là sống đạo đức không làm khổ mình khổ người.