Trưởng lão Thích Thông Lạc đã nhận xét về người học trò thân thương, Nguyên Thanh: “Con là một thiếu nữ trẻ đẹp có đầy đủ trí tuệ và lòng yêu thương mọi người. Thỉnh thoảng con lại giúp Thầy cho ra đời những tác phẩm chấn chỉnh lại Phật giáo khiến cho mọi người có hướng đi tốt đẹp để xây dựng cuộc đời họ trong an lạc và hạnh phúc. Lòng yêu thương ấy mới chính là yêu thương con ạ!”, và Thầy cũng đã viết thư cho một Phật tử trưởng nhóm Nguyên Thủy Hà Nội: “Con hãy đọc bài viết của Nguyên Thanh thì biết khả năng của người này, tuổi trẻ có tài có tu, chắc chắn phải có người thừa kế Thầy, các con đừng lo!”. Đó là lời của bậc Thầy tâm bất động hoàn toàn, làm chủ sanh, già, bệnh, chết, trí tuệ không bị ngăn cách bởi không gian và thời gian, dành cho người học trò tâm trong, trí sáng, gan dạ, dũng cảm, cẩn thận, kỹ lưỡng, có chánh kiến mà Thầy hiểu rõ và gửi gắm nhiều niềm tin yêu. “Thầy với con tuy hai mà một”, để nói lên sự thông hiểu chánh pháp, tương đồng tư tưởng với bậc Thầy của người học trò: “tuy hai” là hai người, mà “một” là một tư tưởng sống không làm khổ mình khổ người. Trên cuộc đời này, mấy ai nhận được những lời như vậy của bậc Thánh trí, Trưởng lão Thích Thông Lạc?
Sư cô Nguyên Thanh tu hành từ năm 11 tuổi, làm học trò của Trưởng lão Thích Thông Lạc khi còn rất trẻ, chỉ mới hơn 20 tuổi. Là một người có năng khiếu chánh niệm tĩnh giác, được Trưởng lão đào luyện về Định Vô Lậu một cách bài bản, sư cô là học trò xuất sắc trong lớp Chánh kiến, lớp học Bát Chánh Đạo đầu tiên trên hành tinh này, mà những bài làm được Thầy xem như giáo án tham khảo cho những thế hệ tu sinh về sau. Sư cô được sự tận tình chỉ dạy của Thầy trong từng hơi thở, từng bước đi và cách thức xử lý từng tâm niệm, lại có phước duyên lớn được Thầy tin tưởng cho phép phụ giúp trong công việc biên tập kinh sách, chứng kiến và học tập trực tiếp thân giáo của Thầy hàng ngày, có điều kiện trình pháp, trao đổi, thưa hỏi một cách thân tình, nên thấu hiểu Phật pháp qua gương hạnh sống, cộng với trải nghiệm tu tập cá nhân với sự rèn giũa của Thầy, do đó thân tâm thấm nhuần nguồn tri kiến giải thoát một cách sâu sắc, nhu nhuyễn, thiện xảo để luôn “sống là tu, tu là sống”, thanh thản, an vui trong mọi cảnh.
Đối với sư cô Nguyên Thanh, Trưởng lão Thích Thông Lạc vừa là người Thầy, vừa là người cha, vừa là người bạn.
Sau khi Thầy nhập diệt, Ban biên tập đã chủ động mời sư cô Nguyên Thanh cộng tác, xây dựng Thư viện bảo tồn di sản tư tưởng của Trưởng lão Thích Thông Lạc một cách nguyên gốc, đầy đủ và có hệ thống. Với sự thông hiểu chánh pháp, kinh nghiệm sống, tu tập và làm việc dưới sự chỉ bảo trực tiếp của Thầy, đặc biệt là chứng kiến trọn vẹn thân giáo của Thầy trong đời sống hàng ngày, sư cô đã có nhiều đóng góp ý kiến về thiết kế và giúp đỡ để phiên bản Thư viện mới được hoàn thiện tốt hơn.