NỘI DUNG MÔ TẢ
Đạo Phật mục đích là sống đạo đức không làm khổ mình khổ người bằng tri kiến, tức là bằng cái sự hiểu biết của mình chứ không có tu tập cái gì khác lạ. Còn phương pháp Thân Hành Niệm, đi kinh hành, hít thở là để giúp chúng ta tỉnh thức để đẩy các chướng ngại trên thân tâm, chứ không phải những pháp đó đưa đến giải thoát. Hiểu sai một chút là mấy con bị ức chế, cho nên vì vậy mà mấy con quá sợ hãi.
Quý bạn đọc vui lòng chọn định dạng pdf hoặc epub, rồi nhấn nút “Đọc” để đọc toàn bộ nội dung hoặc xem trực tiếp như sau:
Chơn Như, ngày 16 tháng 4 năm 2006
SỢ HÃI THỐI LUI
Phật tử vấn đạo
Hỏi: Xin Thầy giải thích cho con hiểu hiện tượng tu tập trong Tu viện và hôm nay Thọ Bát Quan Trai là con thấy sợ và con thấy nó thối lui. Con xin Thầy giải thích cho con và cách thức tu như thế nào để hết cái sợ và thối chuyển đó.
Đáp: Con sợ là sợ cái gì con, sợ về tu hay sao con?
– Bạch Thầy là con về Thọ Bát Quan Trai được một ngày, con kém phước lắm, được mỗi một ngày Thọ Bát Quan Trai thì con thấy hiện tượng xảy ra đúng như hôm con tu trong Tu viện, là tự nhiên con cảm thấy sợ, sợ tu, thối chuyển, tâm nó khởi lên hơi láo toét ạ, nó như kiểu là không muốn nhìn Thầy luôn, nó muốn con phải phản bội lại Đức Phật và Thầy luôn. Con biết hiện tượng thế nhưng con bảo dứt khoát là do con tu sai cái gì đó, để sau này con về con hỏi lại Thầy sau.
Bạch Thầy là hôm con về Thọ Bát Quan Trai thì nó cũng xảy ra hiện tượng như thế, con bảo một ngày nào đó con tu tiếp tục xem có những gì rồi con mới dám bạch với Thầy, con không dám quấy quả Thầy, thời giờ của Thầy là vàng bạc rất là quý hóa. Hôm nay, nhân duyên đây con xin hỏi Thầy, mà con cũng rất là lười biếng nữa.
Bây giờ Thầy nói như thế này, tại con không hiểu, Đạo Phật mục đích là sống đạo đức không làm khổ mình khổ người bằng tri kiến, tức là bằng cái sự hiểu biết của mình chứ không có tu tập cái gì khác lạ. Nhưng vì cái sức tỉnh thức của chúng ta không có đủ, buộc lòng chúng ta đi kinh hành để tỉnh thức phá cái buồn ngủ, hôn trầm đi, để giữ gìn giờ giấc không phi thời, để chúng ta không ăn ngủ phi thời, con hiểu không?
Cho nên, mục đích của nó là sống đạo đức chứ không có gì hết, con sống đạo đức, con không làm khổ mình khổ người. Khi con nói một lời nói, một hành động làm khổ người khác là không được, là sai. Cho nên, tự mình kiểm điểm được hành động đó, được từ suy nghĩ của con, suy nghĩ này mình sẽ làm khổ người khác đây… ở trong đầu của con. Cái đó nó giúp cho con giải thoát chứ không phải là ngồi thiền, nhập định, tu hành gì cả hết.
Nhưng mà vì tại sao có pháp Thân Hành Niệm, có phương pháp đi kinh hành, có phương pháp hít thở? – Mục đích là giúp cho chúng ta tỉnh thức để đẩy lui các chướng ngại pháp trên thân chúng ta thôi, chứ không phải những pháp đó dẫn chúng ta đi đến giải thoát, mà chính hành động sống của chúng ta không làm khổ mình khổ người là giải thoát. Con hiểu chỗ đó không?
Cho nên, mấy con hiểu nhầm, hiểu sai. Từ khi mà tu tập, mấy con cố gắng tập trung tu, bước đi thì phải biết bước đi không vọng tưởng, nó ức chế; hít thở thì phải biết hơi thở ra hơi thở vô… nghĩ rằng những phương pháp này sẽ dẫn mình đến chỗ giải thoát. Không phải đâu! Nó chỉ giúp cho mình tỉnh thức thôi, cho nên mình chỉ tu trong một thời gian ngắn nào đó, 1 phút, 2 phút, 5 phút, 10 phút chúng ta dừng lại khi thấy sức tỉnh thức mình đúng rồi, đừng tăng thêm, tăng thêm thì mình sẽ lọt vào bị ức chế, làm cho mình sợ hãi. Con sai là sai chỗ bị ức chế, cho nên làm cho con sợ hãi.
Thay vì người ta tỉnh thức vừa đủ để người ta xả cái tâm, để người ta sống đời đạo đức không làm khổ mình khổ người, buộc lòng người ta phải triển khai tri kiến, những gì thông hiểu cần thông hiểu. Mình thông hiểu những sự thật để cho mình hiểu cái pháp đó là không thật, nó sẽ đem đến hiểu mù mờ, hiểu không rõ, cái pháp này đem đến sự khổ đau cho mình cho người, từ đó mình ngăn diệt, không để cho nó tác động vào thân tâm của mình, để mình không biến thành những hành động làm khổ người khác. Con hiểu không?
Mình sống như mọi người, nhưng không làm khổ ai hết, đó là pháp Phật. Còn mấy con hiểu sai một chút là mấy con bị ức chế, cho nên vì vậy mà mấy con quá sợ hãi.
Vì thế, khi mà sợ thì ngay cả Phật, ngay cả Thầy con còn không muốn tu nữa, con hiểu chưa? Nhưng mà con không hiểu, Đạo Phật là đạo đức nhân bản – nhân quả, đạo đức gốc của con người, để sống không làm khổ mình khổ người; để đem lại cuộc sống trên hành tinh này không còn khổ nữa, biến nó thành Cực lạc, Thiên đàng, cuộc sống an vui, hạnh phúc cho nhau, chứ nó có gì khác hơn?
Cho nên, Thầy cũng là một con người bình thường, nhưng Thầy sống đạo đức, còn mấy con chưa đủ đạo đức, nên mấy con còn làm khổ cho nhau mà thôi. Thầy truyền lại cho mấy con sự hiểu biết để mấy con sống như Thầy thôi, chứ không có gì khác, không có gì tu, không có gì mà ngồi thiền, không có gì mà nhập định, nhưng khi tâm mấy con đã thanh tịnh, đã sống đúng đạo đức không làm khổ mình khổ người, tức là không còn tham sân si thì lúc bấy giờ nó có Tứ Thần Túc, có Bốn Thần Lực để làm chủ sự sống chết của chúng ta. Còn bây giờ chúng ta dùng cái pháp nào để tu cho có Bốn Thần Túc này thì không bao giờ có mà lạc vào thiền tưởng hết. Tu sai, làm cho chúng ta có những sợ hãi.
Hôm nay gặp lại con, Thầy thấy con hơi ốm chút, nhưng không sao, cố gắng!
THÔNG TIN TÁC GIẢ
BÌNH LUẬN
VIẾT BÌNH LUẬN
THÔNG TIN BỔ SUNG
-
Tác giả
Trưởng lão Thích Thông Lạc
-
Đối tượng
Phật tử Hải Phòng
-
Thời gian
16/4/2006
-
Khổ giấy
13x20,5 cm
-
Số trang
7
-
Thể loại
Vấn đạo
-
Dữ liệu
File pdf, epub
-
Ngôn ngữ
Tiếng Việt
-
Phù hợp cho
Máy tính, máy tính bảng, smartphone
Ban biên tập
“MÌNH SỐNG NHƯ MỌI NGƯỜI, NHƯNG KHÔNG LÀM KHỔ AI HẾT, ĐÓ LÀ PHÁP PHẬT. Còn mấy con HIỂU SAI MỘT CHÚT là mấy con bị ỨC CHẾ, cho nên vì vậy mà mấy con quá sợ hãi. Vì thế, khi mà sợ thì ngay cả Phật, ngay cả Thầy con còn không muốn tu nữa, con hiểu chưa? Nhưng mà con không hiểu, ĐẠO PHẬT LÀ ĐẠO ĐỨC NHÂN BẢN – NHÂN QUẢ, ĐẠO ĐỨC GỐC CỦA CON NGƯỜI mà, để sống không làm khổ mình khổ người; để đem lại cuộc sống trên hành tinh này không còn khổ nữa, biến nó thành Cực lạc, Thiên đàng, cuộc sống an vui, hạnh phúc cho nhau, chứ nó có gì khác hơn?” (Trưởng lão Thích Thông Lạc)