NỘI DUNG MÔ TẢ
“Phóng sanh” đúng chánh pháp của Phật là phải phóng sanh đúng với tâm từ, bi, hỷ, xả. Phóng sanh với tâm từ là tránh tất cả mọi hành động cố ý hay vô ý đều không làm đau khổ chúng sanh. Phóng sanh với tâm bi là thấy nỗi khổ của chúng sanh trước mắt (gặp phải) thì bỏ công sức ra chăm sóc an ủi hoặc mua thả (không được đi kiếm mua thả, chỉ có duyên thình lình gặp phải chúng sanh bị bắt hoặc bị hành hạ khổ đau thì nên mua thả). Đó là phóng sanh đúng pháp vì pháp tứ vô lượng tâm Phật đã dạy như vậy…
Quý bạn đọc vui lòng chọn định dạng pdf hoặc epub, rồi nhấn nút “Đọc” ở trên để đọc toàn bộ nội dung tư liệu, hoặc xem trực tiếp như dưới đây:
Chơn Như, ngày 16 tháng 5 năm 1998
PHÓNG SANH ĐÚNG CHÁNH PHÁP
Chơn Thành vấn đạo
Hỏi: Bạch Thầy! Con xin Thầy chỉ dạy: “Phóng sanh” như thế nào đúng chánh pháp của Phật?
Ví như người kia hàng tháng bỏ tiền đi mua con cá, con chim, con ốc, con trai, con sò, v.v.. ở chợ rồi đem thả vào môi trường sống của nó. Vậy người ấy có làm đúng phóng sanh chăng? Và hưởng được những phước đức gì?
Liệu có ai dám chắc rằng chúng được thả ra đều được sống bình an mà không bị bắt lại khi mà trong thế gian này còn có rất nhiều người làm nghề độc ác này.
Người làm nghề lùng bắt chúng sanh thấy có người mua được giá lại càng lùng bắt hơn rồi đem nhốt lại làm đủ tình đủ tội, chờ đến ngày rằm vía Phật có người mua về phóng sanh, thế là họ có tiền và trở thành cái “Nghề ác độc”. Người phóng sanh như vậy có phước đức không?
Cũng như một người nông dân trồng cấy hoa màu bị lũ chuột, sóc, nhím, chim, v.v.. đến phá, người này liền dùng bẫy để bắt, khi bắt được không giết chúng, mang đến địa phương khác thả, trước khi đem đi thả đều cho chúng ăn uống tử tế. Vậy việc làm của người này có được hưởng phước đức và đúng pháp “phóng sanh” không? Nếu không đúng trường hợp này thì người này sử dụng như thế nào cho đúng?
Đáp: “Phóng sanh” đúng chánh pháp của Phật là phải phóng sanh đúng với tâm từ, bi, hỷ, xả.
1- Phóng sanh với tâm từ là tránh tất cả mọi hành động cố ý hay vô ý đều không làm đau khổ chúng sanh.
2- Phóng sanh với tâm bi là thấy nỗi khổ của chúng sanh trước mắt (gặp phải) thì bỏ công sức ra chăm sóc an ủi hoặc mua thả (không được đi kiếm mua thả, chỉ có duyên thình lình gặp phải chúng sanh bị bắt hoặc bị hành hạ khổ đau thì nên mua thả). Đó là phóng sanh đúng pháp vì pháp tứ vô lượng tâm Phật đã dạy như vậy. Còn nhân quả của chúng sanh gieo nhân nào thì sẽ gặp quả nấy không can dự gì đến chúng ta, thì làm sao có người hành nghề ác ấy? Con người còn có tâm ác giết hại lẫn nhau, ăn thịt lẫn nhau thì đó là loài thú vật mang hình người. Người thì không ăn thịt nhau, chỉ có loài thú mới ăn thịt nhau mà thôi.
3- Phóng sanh với tâm hỷ. Thấy người buồn phiền, khổ đau, sợ hãi ta tìm cách làm cho họ vui và không còn sợ hãi, lo lắng nữa, gặp các loài vật khác cũng vậy. Đó là phóng sanh với tâm hỷ (không được đi tìm kiếm nhân quả của kẻ khác mà cứu giúp, đó là phóng sanh không đúng chánh pháp vì phá luật nhân quả. Ngược lại, ta không tìm kiếm mà gặp đó là duyên nhân quả của ta với họ nên phải vay trả nghiệp, chúng sanh cũng vậy).
4- Phóng sanh với tâm xả, gặp duyên nghiệp nhân quả khi phóng sanh ta an vui xem như mình đã trả xong một nhân quả đời trước, chứ không phải phóng sanh để cầu phước ở tương lai ngày mai.
Phóng sanh như vậy gọi là phóng sanh đúng chánh pháp.
Còn những điều con hỏi trên đây là hình thức phóng sanh để cầu tai qua nạn khỏi, bệnh tật tiêu trừ và tuổi thọ sống lâu.
Phóng sanh phải đầy đủ trí tuệ, không khiến kẻ khác làm ác và mình được phước báo.
Phóng sanh mà khiến người ta làm nghề ác thì mình đồng gián tiếp phạm tội mà còn tổn phước đức.
Còn phóng sanh theo kiểu loài vật ăn phá của mình bắt đem thả chỗ khác, mặc dù cho ăn uống đầy đủ nhưng đó không phải là “phóng sanh”, mà làm một điều ngu ngốc.
Con vật phá hoại mùa màng do công lao chúng ta làm ra:
1/ Thứ nhất, tạo môi trường cho chúng sợ hãi đừng vào phá.
2/ Thứ hai, là làm đó ngăn chặn chúng vào phá hoại không được.
3/ Thứ ba, chúng còn phá hoại thì hãy dùng các biện pháp tiêu diệt chúng. Nếu chúng bỏ đi ta không nên truy đuổi giết, chỉ con nào còn chống cự phá hoại mùa màng thì ta giết chúng, chứ không đem thả chỗ khác làm hư hoại mùa màng của kẻ khác.
Vì công lao chúng ta làm ra thì chúng ta phải bảo vệ, còn chúng là kẻ cướp thì chúng là kẻ có tội, ta giết kẻ cướp không có tội.
Một đất nước bị ngoại xâm, kẻ ngoại xâm là có tội. Chúng ta đứng lên bảo vệ đất nước giết chúng không có tội.
Đàn kiến xâm chiếm nhà chúng ta, đàn kiến có tội.
Loài côn trùng phá hoại mùa màng, loài côn trùng có tội.
Ta diệt loài côn trùng bảo vệ mùa màng ta không có tội.
Những sự phóng sanh ở trên như con đã hỏi đều là việc làm luẩn quẩn thiếu trí tuệ, không đúng chánh pháp của Phật.
Làm thiện mà còn cầu danh, cầu lợi, bỏ một đồng làm thiện muốn có thêm triệu đồng và còn được tiếng là nhà từ thiện, thiện ấy là của tà giáo ngoại đạo, chứ thiện của Đạo Phật chỉ vì không làm khổ chúng sanh và không làm khổ mình, chứ không phải đi mua hình thức thiện, đi mua danh thiện.
THÔNG TIN TÁC GIẢ
BÌNH LUẬN
VIẾT BÌNH LUẬN
THÔNG TIN BỔ SUNG
-
Tác giả
Trưởng lão Thích Thông Lạc
-
Đối tượng
Thích Chơn Thành
-
Thời gian
16/5/1998
-
Khổ giấy
13x20.5 cm
-
Số trang
16
-
Thể loại
Vấn đạo
-
Dữ liệu
file pdf, epub
-
Ngôn ngữ
Tiếng Việt
-
Phù hợp cho
Máy tính, máy tính bảng, smartphone
Ban biên tập
“PHÓNG SANH phải có TRÍ TUỆ, KHÔNG KHIẾN KẺ KHÁC LÀM ÁC và MÌNH ĐƯỢC PHƯỚC BÁO.” (Trưởng lão Thích Thông Lạc)
Ban biên tập
“Phóng sanh đúng chánh pháp của Phật là phải phóng sanh đúng với tâm TỪ, BI, HỶ, XẢ” (Trưởng lão Thích Thông Lạc)