Lòng Yêu Thương – Tập 2
NỘI DUNG MÔ TẢ
Chúng ta thấy rất rõ, ở đời người ta nói nhiều về Lòng Yêu Thương, kêu gọi Lòng Yêu Thương, nhưng ngược lại chính họ lại yêu thương bản thân họ quá nhiều thành ra Lòng Yêu Thương của họ trở lại làm khổ họ làm khổ mọi người, nhất là làm khổ tất cả chúng sinh. Có đúng như vậy không? Chính họ cầm dao giết hại và ăn thịt chúng sinh thì Lòng Yêu Thương của họ ở đâu?
Quý bạn đọc vui lòng chọn định dạng pdf hoặc epub, rồi nhấn nút “Đọc” ở trên để đọc toàn bộ nội dung tập sách này. Dưới đây là phần lời nói đầu:
LỜI NÓI ĐẦU
Trong tập một chúng tôi đã nói đến Lòng Yêu Thương là một đức tính tốt của muôn loài, cho nên khi mới lọt lòng mẹ sinh ra, loài vật nào cũng vậy đều sẵn có Lòng Yêu Thương. Nhưng khi áp dụng Lòng Yêu Thương vào đời sống hằng ngày thì Lòng Yêu Thương ấy không còn giá trị bình đẳng, hồn nhiên, trong sáng của nó như thuở ban đầu nữa, mà nó hoàn toàn thay đổi theo bản ngã ích kỷ, hẹp hòi, nhỏ mọn của mọi loài. Từ lòng yêu thương ấy nó sẽ trở thành lòng hung ác. Cho nên, nói Yêu Thương chứ thật ra chính bản thân nó còn chưa Yêu Thương huống chi nó Yêu Thương ai.
Vì thế, mới nói Lòng Yêu Thương ấy đã trở thành nhiều cấp độ khác nhau trong cuộc sống hằng ngày, là vì không có danh từ dùng để chỉ Lòng Yêu Thương mà không Yêu Thương, hay để chỉ cho Lòng Yêu Thương nhiều hoặc ít.
Vì dụ: cha mẹ thương con cũng không phải bình đẳng vì có đứa thương nhiều, nhưng cũng có đứa thương ít. Cha mẹ thương con mà còn như vậy huống là anh em, chị em, tuy cùng máu mủ, cùng sống chung trong một mái ấm gia đình, nhưng tình thương ít nhiều mọi người đối xử lại khác nhau. Tại sao lại có những tình thương như vậy?
Tình thương ít hay nhiều đều do qui luật nhân quả, cho nên khi một người hiểu luật nhân quả thì họ thản nhiên trước tình cảm thương ít hay thương nhiều, họ không khởi tâm ganh đua hơn thiệt hoặc so đo với anh chị em, với mọi người.
Khi nói đến Lòng Yêu Thương đối với mọi người thì chúng ta nên dè dặt cẩn thận để xét qua những hành động có thật Lòng Yêu Thương hay không, hay chỉ lời nói suông ngoài đầu môi chót lưỡi.
Phải tránh Lòng Yêu Thương bằng cách mua bán trao đổi “bánh sáp đi thì bánh qui trở lại”, vì Lòng Yêu Thương ấy chưa thật sự là Yêu Thương.
Lòng Yêu Thương lúc nào cũng đi song song với Lòng Cung Kính và Tôn Trọng thì Lòng Yêu Thương ấy mới thật sự là Yêu Thương.
Thiếu Lòng Cung Kính và Tôn Trọng thì Lòng Yêu Thương ấy sẽ có những hành động thô bạo, hung dữ, lời nói thường to tiếng, nặng nhẹ với nhau, có khi còn chửi mắng và còn đánh đập nhau nữa. Đó là Yêu Thương, nhưng thiếu sự cung kính và tôn trọng.
Khi hai người thương nhau mà to tiếng với nhau thì chúng ta biết ngay, đó là Lòng Yêu Thương nhau nhưng thiếu sự cung kính và tôn trọng lẫn nhau, nên càng Yêu Thương thì càng làm khổ cho nhau nhiều hơn.
Thiếu Lòng Cung Kính và Tôn Trọng lẫn nhau thì Lòng Yêu Thương ấy sẽ trở thành Lòng Yêu Thương độc quyền, tức là Lòng Yêu Thương chiếm hữu. Khi Lòng Yêu Thương Chiếm Hữu đến với người nào thì người đó không bao giờ còn quyền tự do giao tiếp với những người khác. Và nếu muốn tự do giao tiếp với những người khác thì gia đình sẽ bất an thường có những chuyện xảy ra rầy rà lời qua, tiếng lại, hay nói bóng, nói gió khiến cho sự hòa hợp những người thân trong gia đình lần lần mất mát. Vì những điều này mà vợ chồng có khi đi đến ly dị chia rẽ nhau, ai đi đường nấy như nhà văn Nhất Linh đã viết:
“Anh đi đường anh, em đường em
Tình nghĩa đôi ta có thế thôi
Chẳng muốn trông mong xum họp lại
Bận lòng chi nữa lúc chia phôi”
Con người ai cũng có Lòng Yêu Thương, nhưng thường thiếu sự cung kính và tôn trọng lẫn nhau nên Lòng Yêu Thương ấy đã trở thành những hành động Thương Yêu ích kỷ, hẹp hòi, nên thường xem người mình Yêu Thương là của mình, do đó Yêu Thương mà làm đau khổ cho nhau.
Hiểu biết được như vậy, chúng ta hãy gạt bỏ Lòng yêu Thương thiếu sự cung kính và tôn trọng mà hãy cố gắng học tập và nuôi dưỡng Lòng Yêu Thương cung kính và tôn trọng lẫn nhau.
Trong cuộc đời này nếu ai cũng sống với Lòng Yêu Thương cung kính và tôn trọng lẫn nhau thì cuộc đời sẽ là Thiên đàng, Cực lạc phải không quý vị?
Lòng Yêu Thương cung kính và tôn trọng thì không bao giờ to tiếng, nặng lời với nhau cả. Lòng Yêu Thương của cha mẹ đối với con cái thiếu sự tôn trọng con cái nên thương con cái mà hay la mắng đánh đập, nhất là con cái lúc còn bé thơ.
Dù nó là con cái của mình sinh ra, nhưng nó cũng là một con người như bao nhiêu người khác. Vì thế bậc làm cha mẹ không được quyền đánh đập con cái của mình mà hãy tôn trọng nó như bao nhiêu người khác, tôn trọng con cái của mình là tôn trọng sự sống của nó.
Đừng nghĩ rằng nó là con cái của mình sinh ra thì mình muốn đánh đập nó lúc nào là cứ đánh đập. Đó là một quan niệm sai lầm từ ngàn xưa. Con cái mà đánh đập hay mắng chửi nó là thiếu sự tôn trọng sự sống.
Con cái của mình sinh ra nhưng nó là một con người như bao người khác, nó cũng có sự sống của riêng nó. Chúng ta làm cha mẹ chỉ nuôi nấng giúp đỡ con cái theo sự phát triển của nó chớ không bắt buộc nó phát triển theo chiều hướng của chúng ta. Chúng ta đừng nghĩ rằng trong cuộc sống này cái gì của chúng ta đều đúng hết.
Cho nên, chúng ta đừng theo người xưa giáo dục con theo kiểu:
“Thương con cho roi cho vọt
Ghét con cho ngọt cho ngào”.
Đó là sự giáo dục thiếu tôn trọng quyền sống của người khác nên thường theo khuôn khổ của người xưa. Con cái của mình thì cứ đánh nó, dạy nó khiến cho nó nên người tốt. Ông bà cha mẹ thường lấy quyền của người lớn, của người làm ông bà, của người làm cha mẹ mà hiếp đáp quyền sống của con cái. Họ không biết tôn trọng quyền sống của con cái. La mắng đánh đập con cái mà bảo rằng giáo dục, đó là giáo dục lỗi thời.
Giáo dục bằng roi không đúng đạo đức nhân bản – nhân quả, vì còn làm con cái đau khổ. Nên giáo dục con cái bằng lời khuyên bảo bằng lời nhẹ nhàng ngọt ngào, chỉ rõ những điều sai mang đến tai họa làm đau khổ cho bản thân và những người thân trong gia đình.
Giáo dục bằng cách roi vọt đánh đập con cái và học trò là phản giáo dục thiếu văn hóa văn minh của thời đại khoa học. Giáo dục không cho phép đánh đập dù là con vật huống là con người. Giáo dục là dạy mọi người mang lại Lòng Yêu Thương với mọi người và mọi loài vật. Có đâu giáo dục lại đánh đập đem đến sự đau khổ cho con cái.
Đem đến sự đau khổ cho con cái thì đó không phải là giáo dục con cái mà đó là một sự đàn áp bắt buộc con cái phải làm theo ý muốn của mình, trong khi ý muốn của mình chưa hẳn đã hoàn thiện.
Đánh con cái làm cho nó đau khổ mà bảo rằng thương con cái thì cái thương đó chưa hẳn đã thương. Cho nên, những bậc làm cha mẹ thương con cái mà đánh đập như vậy là thương con cái trong ngu si.
Vậy những bậc làm cha mẹ hãy lấy roi đánh vào thân mình rồi xem mình có biết đau không?
Đau sao lại đánh con?
Chúng ta cần phải thay đổi sự giáo dục con cái. Giáo dục con cái đúng nghĩa là cha mẹ phải biết tôn trọng sự sống của nó, nhờ đó cha mẹ chỉ là chỗ nương tựa vững chắc cho con cái mà thôi.
Nếu trong cuộc đời này ai cũng có chỗ nương tựa vững chắc thì khi gặp những nghịch cảnh thì mọi người sẽ vượt qua một cách dễ dàng bằng trí óc của mình.
Cha mẹ thương con cái còn không bình đẳng và sự phân biệt cũng rõ ràng: Đứa khôn lanh thì thương ít, đứa khờ khạo thì thương nhiều; đứa giàu sang thì thương ít, đứa nghèo khổ thì thương nhiều. Lòng Yêu Thương của cha mẹ còn như vậy, khi mới nghe qua thì rất hay nhưng lại thiếu công bằng.
Bậc làm cha mẹ dù con cái khôn ngoan hay khờ khạo, giàu sang hay nghèo hèn thì phải thương yêu đồng đều; còn ngược lại đứa thương nhiều, đứa thương ít thì đó là đã đánh mất Lòng Yêu Thương bình đẳng của người làm cha mẹ…
Một cô giáo đứng trước lớp học mà bảo rằng tôi sẽ yêu thương tất cả học trò của tôi đứa nào cũng vậy thì lời nói ấy không đúng. Trong số học trò trước mắt cô giáo chúng có nhiều hoàn cảnh khác nhau thì làm sao lòng yêu thương của cô giáo bình đẳng đồng đều được.
Lòng Yêu Thương thực hiện qua sự bất hạnh của người khác, biết rằng đối với người giàu cũng như người nghèo chúng ta đều thương yêu bình đẳng như nhau, nhưng người nghèo khổ thì chúng ta giúp đỡ để họ vượt qua những sự khó khăn chớ không phải chúng ta thương nhiều.
Nhưng người đời không hiểu khi thấy chúng ta giúp đỡ người nghèo khổ thì cho chúng ta thương họ nhiều.
Làm cha mẹ cũng vậy khi thấy đứa con nghèo khổ thì giúp nó thì những đứa con khác lại phân bì cho cha mẹ đứa thương nhiều đứa thương ít.
Sao cha mẹ lại lo cho em út nhiều quá vậy? Cái gì cũng cho nó hết.
Lời phân bì so đo như vậy là không đúng, vì em út phải sống nơi tự sở phải lo cơm nước cho ông bà và cha mẹ, phải gánh chịu bao tục lệ trong gia đình. Bao nhiêu sự cực nhọc đều đổ lên vai người con út.
Những việc nặng nhọc như: Con út phải gánh vác việc thờ cúng tổ tiên ông bà nhiều hơn các đứa con khác, nên sự tốn hao của nó cũng phải nhiều hơn, tuy nó có lãnh một phần đất hương quả nhưng công lao thờ phụng phải xem trong xem ngoài cho vén khéo sạch sẽ và còn phải có ngăn nắp nơi thờ phượng.
Ai cũng biết thực hiện sự thờ cúng tổ tiên ông bà cha mẹ cũng là thực hiện Lòng Yêu Thương. Cho nên, thực hiện Lòng Yêu Thương là thực hiện những hành động muôn mặt:
– Ví dụ: bố thí cho một bà lão ăn xin một đồng bạc, một bát cơm cũng là thực hiện Lòng Yêu Thương.
– Nắm tay dắt một em bé băng qua đường cũng là thực hiện Lòng Yêu Thương.
– Dỗ dành một em bé đang khóc khiến cho nó không khóc nữa đó cũng là thực hiện Lòng Yêu Thương.
– Nhường nhịn không tranh hơn với người khác cũng là thực hiện Lòng Yêu Thương.
– Không tham danh, tham lợi sống một đời sống bình thản, thanh nhàn cũng là thực hiện Lòng Yêu Thương mình, thương người.
Bởi vậy, thực hiện Lòng Yêu Thương không sao kể hết được trong cuộc sống hằng ngày. Nói dễ dàng nhưng thực hiện trong cuộc sống của con người hằng ngày đâu phải dễ. Phần đông người ta không có Lòng Yêu Thương nên mới làm ngơ trước nỗi bất hạnh của người khác.
Chúng ta thấy rất rõ, ở đời người ta nói nhiều về Lòng Yêu Thương, kêu gọi Lòng Yêu Thương, nhưng ngược lại chính họ lại yêu thương bản thân họ quá nhiều thành ra Lòng Yêu Thương của họ trở lại làm khổ họ làm khổ mọi người, nhất là làm khổ tất cả chúng sinh. Có đúng như vậy không? Chính họ cầm dao giết hại và ăn thịt chúng sinh thì Lòng Yêu Thương của họ ở đâu?
Quý vị cứ xem xét hằng ngày trong cuộc sống của mọi người thì quý vị thấy ngay, thân xác của mọi người là mồ chôn xác chúng sanh: Cá, tôm, gà, vịt, heo, dê, bò, trâu, ngựa, chó, mèo v.v.., không có con vật nào mà họ không ăn thịt. Con người là một con thú ác độc nhất trên hành tinh này, hằng ngày có hàng tỷ tỷ loài vật chết vì loài người giết hại và ăn thịt.
Như trên chúng tôi đã nói Lòng Yêu Thương có từng cấp độ khác nhau, vì vậy trong cuộc sống của chúng ta, có người gan dạ dám hy sinh cứu người khác, dám hy sinh mình vì Tổ quốc. Đọc câu chuyện Nơi Trở Về chúng ta mới thấm thía “Lòng Yêu Thương cao thượng khiến cho con người dũng cảm đầy gan dạ dám xông pha vào lửa đỏ cứu người”.
Bởi vậy, Lòng Yêu Thương thật là cao thượng vô cùng. Cho nên chỉ có Lòng Yêu Thương thật sự mới dám biến mình trở thành những con người hùng, gan dạ, dũng cảm, mới làm nên những kỳ tích tinh thần Yêu Thương vĩ đại cho đời.
Lòng Yêu Thương vì người, nói thì ai nói cũng được, nhưng đến khi làm mới thấy khó vô cùng. Chúng tôi chỉ ước mong sao mọi người vì thương người mà quên mình để cho đời ngày càng tốt đẹp hơn.
Đọc những câu chuyện tâm hồn cao thượng của Hà Mai Anh dịch từ tiếng Pháp sang tiếng Việt, tuy sách do người Ý viết, nhưng sao tâm hồn của họ lại gần gũi với dân tộc Việt Nam đến thế. Các cháu bé tuy còn tuổi học trò nhưng vì lòng thương người mà quên mình dám hy sinh mình cứu người, khiến chúng tôi xúc động từ trong sâu thẳm của trái tim nên không thể cầm được những giọt nước mắt tự nhiên tuôn trào.
Lòng Yêu Thương là một cảm xúc tự nhiên mà mỗi người ai cũng có. Trên đời không ai sống mà thiếu Lòng Yêu Thương. Lòng Yêu Thương sẽ có ý nghĩa tốt đẹp nhiều hơn khi chúng ta biết ban tặng cho mọi người không phân biệt thân, sơ để làm cho cuộc sống ấm áp, hạnh phúc hơn; để làm cho mọi người gần gũi nhau hơn.
Thật là hạnh phúc vô cùng khi mỗi người biết tận dụng Lòng Yêu Thương của mình ban tặng cho những người gặp hoàn cảnh không may; ban tặng cho những người đang cần Lòng Yêu Thương thì đời sống của loài người sẽ đẹp đẽ biết bao!
Kính ghi,
Trưởng lão Thích Thông Lạc
THÔNG TIN TÁC GIẢ
BÌNH LUẬN
VIẾT BÌNH LUẬN
THÔNG TIN BỔ SUNG
-
Tác giả
Trưởng lão Thích Thông Lạc
-
Xuất bản tại
NXB Tôn giáo
-
Thời gian
Quý I, 2011
-
Khổ giấy
13 x 20.5 cm
-
Số trang
200
-
Thể loại
Đạo đức làm người
-
Dữ liệu
pdf, epub
-
Ngôn ngữ
Tiếng Việt
-
Phù hợp cho
Máy tính, máy tính bảng, smartphone
Ban biên tập
Tập sách Lòng Yêu Thương của Trưởng lão Thích Thông Lạc viết rất hay, dạy chúng ta biết thương yêu sự sống bình đẳng, không phân biệt thân, sơ với tất cả sự cung kính và tôn trọng.