Sách nói liên quan
Quay lạiMuốn tâm không phóng dật, tức là không có vọng tưởng thì phải biết gốc của vọng tưởng từ đâu mà có, nó có từ nhân quả thiện ác, cho nên Đức Phật dạy: “Ngăn ác diệt ác pháp, sanh thiện tăng trưởng thiện pháp”, ngăn ác diệt ác pháp, sanh thiện tăng trưởng thiện pháp tức là tu tập như vậy sẽ không có vọng tưởng, không có vọng tưởng tức là tâm không phóng dật.
Những Lời Gốc Phật Dạy – Tập 1
“Những Lời Gốc Phật Dạy” là tên bộ sách nhiều tập gồm những lời Phật dạy ngắn gọn được rút ra từ những bài kệ và những bài kinh trong tạng kinh Nikaya, nói lên rõ ý nghĩa và mục đích giải thoát của Đạo Phật, nhất là những pháp hành thực tế, cụ thể, đem lại cho mình, cho người một tâm hồn thanh thản, an vui và vô sự, lúc nào cũng bất động trước các ác pháp và các cảm thọ, luôn luôn không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sanh.
Tất cả mọi sự việc xảy ra trong cuộc đời này con hãy nhìn nó bằng nhân quả thiện ác chứ đừng nhìn nó bằng đôi mắt đúng sai, phải trái thì mọi sự khổ đau sẽ được chấm dứt. Con luôn hãy nhớ lời dạy này, nó là bùa hộ mệnh của con.
Tóm lại, tất cả mọi sự việc trên đời này đều do nhân quả, dù con có lo hay không lo cũng không tránh khỏi nhân quả. Nhân quả chỉ có chuyển hóa bằng cuộc sống thiện thì mọi việc sẽ tốt đẹp nhất.
Chúng ta và vạn sinh vật do từ các duyên hợp lại sinh ra, cho nên chúng ta phải thương yêu nhau, thương yêu tất cả chúng sinh, vì có thương yêu chúng sinh thì chúng ta mới bảo vệ sự sống của muôn loài và của chính chúng ta. Nếu vô tình chúng ta hủy hoại sự sống của chúng sinh (sự sống của loài vật), là chúng ta tự huỷ hoại sự sống của chính mình.
Bởi vì một giới luật của Phật là một hành động đạo đức làm người, làm thánh, hành động đạo đức làm người, làm thánh là hành động thiện. Cho nên, chúng ta giữ gìn được một giới luật của Phật là chúng ta đã tăng trưởng thêm một điều thiện, tăng trưởng thêm một điều thiện là làm giảm bớt đi một điều ác, giảm bớt đi một điều ác là giảm bớt một sự khổ đau của mình của người, giảm bớt sự khổ đau của mình của người là giải thoát phải không hỡi các bạn?
Con người là thừa tự của nghiệp lực nhân quả. Nghiệp lực nhân quả là cha mẹ đẻ sanh ra loài người, vì thế làm sao có sự đau khổ ngoài luật nhân quả được. Cho nên, người sống đúng đạo đức nhân bản không làm khổ mình khổ người là người sống đúng đạo luật nhân quả, nên chuyển tất cả quả khổ thành quả vui, mình vui người vui.
Trong cuộc sống của loài người có một đạo luật nhân quả tuy thưởng phạt vô hình nhưng rất công minh, chánh trực, ai làm ác thì phải lãnh đủ bản án thọ bao nhiêu tội khổ, ai làm thiện thì hưởng được phước báo, hạnh phúc, an vui. Đạo Phật dạy con người sống đạo đức nhân bản – nhân quả, không làm khổ mình khổ người để đi vào con đường thiện nhằm giải thoát thân tâm ra khỏi mọi sự khổ đau của kiếp sống làm người.
Nhân quả muốn chuyển được thì phải vui vẻ chấp nhận để trả nợ nhân quả. Khi đứng trước hoàn cảnh tai nạn bệnh tật thì không nên buồn rầu, lo sợ, không nên than thân trách phận, không nên đổ thừa cho ai cả mà hãy vui vẻ nhận chịu một cách tự nhiên đầy can đảm và dũng cảm.
Đối với Đạo Phật, sát hại chúng sinh để cứu người thì được xem họ là những người phi đạo đức, biết nâng cao giá trị sự sống của con người mà không biết tôn trọng sự sống của loài vật, là con người thiếu đức hiếu sinh, do đó chưa xứng đáng làm người còn nói chi đến những bậc Thánh.
Mọi vật sinh ra đều do duyên hợp tạo thành, mà đã duyên hợp tạo thành thì không thể nào ra khỏi quy luật sinh diệt của nhân quả. Do đó, mọi vật đều phải theo quy luật: thành, trụ, hoại, không của nhân quả. Không có một vật gì thường hằng vĩnh viễn trên hành tinh này. Cho nên, nhân quả thiện ác là một bi hài kịch đang diễn xuất theo quy luật vận hành sinh diệt của vũ trụ, vì không hiểu chúng ta lầm chấp cái ta nên bị luân hồi mãi mãi.
Vì vậy mà những người mới tu tập, còn gia duyên, còn tiếp duyên với mọi người, còn làm công việc để sinh sống thì nên học đạo đức nhân quả và sống với đạo đức nhân quả thì sẽ được giải thoát ngay liền.