Được phát triển từ đầu năm 2014, nhưng quá trình thu thập và kết tập tư liệu được tiến hành từ trước đó rất lâu, từ năm 2009. Khoảng giữa năm 2014 thì trang web Thư viện Thầy Thông Lạc chính thức đi vào hoạt động, đã bảo tồn được lượng tư liệu nguyên gốc phong phú từ sách, bản viết tay, bản in, tâm thư, vấn đạo, pháp âm, video, hình ảnh trong quá trình triển khai chánh pháp của Trưởng lão Thích Thông Lạc cùng các tu sinh và Phật tử đương thời. Cuối năm 2019, sau khi thu thập các ý kiến đóng góp, Ban biên tập quyết định thiết kế lại nền tảng thư viện với nhiều cải tiến: hệ thống lưu trữ khoa học, hợp lý, tiện lợi, dễ dùng, dễ tra cứu, có thứ lớp, sắp xếp nội dung theo các chuyên đề và mang lại trải nghiệm tốt về đọc, nghe, xem tư liệu. Vào ngày 17/9/2021, thư viện mới chính thức đi vào hoạt động.
Bảo tồn di sản mà Trưởng lão Thích Thông Lạc đã dựng lại chánh pháp của Đức Phật Thích Ca một cách nguyên gốc, đầy đủ và có hệ thống.
Trưởng lão Thích Thông Lạc đã dạy: “Phật giáo còn hay mất không phải do Thầy, Thầy không có trách nhiệm bảo vệ nó, mà trách nhiệm bảo vệ nó là các con và chúng sanh. Vì đó là quyền lợi của các con, của chúng sanh, chứ Thầy chẳng có quyền lợi gì trong đó nữa vì Thầy đã tu xong. Chỉ vì thương xót các con và chúng sanh mà Thầy ra công dựng lại giáo pháp chân chánh của Đạo Phật để giúp các con và chúng sanh mà thôi, còn chánh pháp này mất hay còn là do các con và chúng sanh”.
Và Thầy đã căn dặn: “Hôm nay nhân duyên đã đủ, chánh pháp của Phật mới được sống lại, chúng ta không có quyền để cho chánh pháp mất một lần nữa hay bị diệt mất, nhất là ĐẠO ĐỨC NHÂN BẢN – NHÂN QUẢ phải được bảo vệ và giữ gìn mãi mãi với cuộc sống của loài người muôn thuở”.
Dữ liệu được hệ thống hóa gồm Ấn bản điện tử, Sách nói, Sách ảnh (bản viết tay, bản in), Pháp âm, Video, Hình ảnh, được bố trí theo danh mục, sắp xếp theo lộ trình tu học, nhóm theo các chuyên đề và xây dựng lại các giáo trình mà Trưởng lão Thích Thông Lạc đã triển khai để quý bạn đọc dễ dàng tham khảo.
Thư viện Thầy Thông Lạc được vận hành trên nền tảng mới với các chức năng chính: tính năng lưu trữ thư viện, tính năng sắp xếp theo lộ trình tu tập, tính năng nhóm dữ liệu theo chuyên đề, và xây dựng các chương trình đào tạo của Trưởng lão Thích Thông Lạc để quý bạn đọc dễ dàng nghiên cứu toàn diện và có hệ thống. Việc đọc tư liệu; nghe sách nói và pháp âm; xem video và hình ảnh, truy cập, tìm kiếm, bình luận, chia sẻ, truy vấn dữ liệu được thiết kế để có trải nghiệm tốt trên các thiết bị như máy tính, máy tính bảng, điện thoại thông minh…
Năm 2014: Bắt đầu xây dựng Thư viện Thầy Thông Lạc, với tính năng cơ bản, chính yếu là thư viện lưu trữ: sách, sách nói, tư liệu, bản viết tay, pháp âm, video, hình ảnh được biên tập cẩn thận và sắp xếp theo cấu trúc thư mục. Việc thiết kế thư viện dựa trên quá trình phân tích một lượng dữ liệu rất lớn, trong thời gian dài, khoảng 4 năm, từ cuối 2009 – đầu 2014.
Quá trình thu thập, kết tập tư liệu được tiến hành và công việc đó vẫn còn tiếp tục song song với quá trình làm bảo tồn.
“Những cái sách mà Thầy viết, Thầy để lại cho mấy con sau này thì cố mà giữ gìn, bảo trì. Đạo đức của loài người nó sẽ phát triển và người Việt Nam là người đầu tiên thọ hưởng nền giáo dục đạo đức đó. Thế giới sau này thì cũng nương theo nền đạo đức này để xây dựng quê hương đất nước dân tộc của họ, đều lấy cái kinh nghiệm của đất nước Việt Nam của chúng ta.
Một vinh dự lớn mà thầy đã đặt ở đất nước này! Một đất nước thiệt là chịu nhiều đau khổ trong nhiều cuộc chiến tranh mà có một nền đạo đức vĩ đại, trên thế giới này không có được.
Các con biết như vậy thì phải cố gắng nghe lời dạy của Thầy, cố gắng cùng đoàn kết thương yêu nhau, để xây dựng được nền đạo đức cho đất nước này, cho dân tộc này. Đây là cái nhiệm vụ của mấy con rồi!” (Trưởng lão Thích Thông Lạc)
Những thành viên trong đội ngũ bảo tồn luôn mong muốn gìn giữ di sản nền đạo đức nhân bản – nhân quả, sống không làm khổ mình khổ người mà Trưởng lão Thích Thông Lạc đã dựng lại chánh pháp của Đức Phật Thích Ca cho nhiều thế hệ hôm nay và mai sau.
Nòng cốt của Ban biên tập là sư cô Nguyên Thanh và cư sĩ Minh Đức, cùng rất nhiều thành viên, cộng sự đồng hành, luôn tích cực chung tay nhau để công việc được hoàn thành tốt đẹp.
Chúng con xin hướng về những bậc ân nhân của nhân loại: Đức Phật, người đã tu hành chứng đạo làm chủ bốn nỗi khổ đau sanh, già, bệnh, chết, chấm dứt tái sanh luân hồi, tìm ra bốn chân lý Tứ Diệu Đế của con người, chuyển bánh xe chánh pháp, truyền dạy đạo đức giải thoát; và sau hơn 2500 năm, Trưởng lão Thích Thông Lạc đã nương theo lời dạy của Đức Phật tu hành làm chủ sống chết, trở thành người học trò xuất sắc, tiếp nối mạng mạch Phật giáo, dựng lại chánh pháp của Đức Phật, triển khai nền đạo đức nhân bản – nhân quả, sống không làm khổ mình khổ người cho nhân loại trên hành tinh này.
Xin tri ân những người có phước duyên được tu học với Trưởng lão Thích Thông Lạc, nhờ họ mà Thầy đã khai thị, giải đáp, giảng dạy, soạn thảo giáo trình, giáo án, viết sách, ban rãi những lời pháp nhũ để trở thành nguồn tư liệu tham khảo cho nhiều thế hệ con người hôm nay và mai sau nương theo tu hành thoát khỏi khổ đau.
Chúng con cũng xin hết lòng biết ơn bao thế hệ tu sinh, Phật tử và những người ngưỡng mộ và trân quý chánh pháp đã ghi lại, lưu giữ các tư liệu Pháp bảo trong suốt quá trình giáo hóa của Thầy.
Cảm ơn đất nước thanh bình để mọi người an ổn sống và tu tập.
Cảm ơn nhân duyên thời đại khoa học đã phát minh ra những phương tiện lưu trữ và truyền thông dễ dàng.
Cảm ơn những bạn đọc gần xa đã áp dụng những lời dạy của Đức Phật, của Trưởng lão Thích Thông Lạc vào cuộc sống bằng những hành động đạo đức cao đẹp, không làm khổ mình khổ người.
Cảm ơn những cộng sự đầy nhiệt huyết đã cùng với Ban biên tập vượt qua nhiều khó khăn để chung tay bảo tồn di sản của Trưởng lão Thích Thông Lạc.
Xin cám ơn tất cả!
Ước mong mọi người sống không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh.