Ngày đăng  

18/08/2021, 21:19

NỘI DUNG MÔ TẢ

Thì hôm nay Thầy nói, chúng ta luôn luôn lúc nào cũng đứng trong cái nhân quả để giải quyết cái tâm của mình mà thoát ra cảnh khổ, không để cho cái tâm của mình giận dữ đối với gia đình, đối với những người xung quanh mình, thì như vậy cũng là tu rồi đó chứ! Chứ các con tu sao? Nghĩ mình vô chùa rồi trốn ở trong đó, tụng kinh gõ mõ tối ngày là tu hả? Đâu phải!
Trưởng lão Thích Thông Lạc

Quý bạn đọc vui lòng chọn định dạng pdf hoặc epub, rồi nhấn nút “Đọc” ở trên để đọc toàn bộ nội dung tư liệu, hoặc đọc trực tiếp như dưới đây:

Chơn Như, ngày  tháng  năm 1996

TRẢ NỢ NHÂN QUẢ GIA ĐÌNH

Cư sĩ Từ Đức vấn đạo

Hỏi: Thưa Thầy, con xin Thầy chỉ dạy. Con có một thằng cháu nội, nó cũng không hung dữ, nó không dám nói lời vô phép nhưng mà nó rất là lì, cứng đầu. Trong gia đình, con cũng tìm hết lời an ủi ngọt ngào, bởi vì cha mẹ nó thôi nhau từ nhỏ, từ 7 – 8 tuổi giao con nuôi năm nay nó 18 tuổi, nó thi lên lớp 12, mà nó muốn bỏ nhà đi giờ nào là nó bỏ. Nói ngọt, nói ngon, nói về tương lai, nói về cuộc sống, nói về đạo đức cho nó nghe thì nó nghe, nó vãn vãn được 2 – 3 ngày rồi thỉnh thoảng nó cần là nó bỏ nhà nó đi qua ngày mai nó trở về. Nhiều khi cô ruột nó giận quá đánh, mà nó cứ làm như vậy hoài, con hổng có tìm được cách nào để dạy nó được.

Đáp: À như vậy thì bây giờ mình đem hết cái sự hướng dẫn nó rồi, tức là mình phải thấy được cái nghiệp của nó. Mình cũng rầy, cũng khuyên, cũng dạy chứ không nên bỏ, nhưng mà nó có làm hay không làm thì đừng nên bận tâm.

Trách nhiệm của mình có rầy, có dạy, có khuyên lơn. Bây giờ đi chơi, mình cũng nói, rầy nó vậy thôi, nhưng mà đừng có để cái tâm của mình khổ tâm đối với nó, phải không? Vì nó lên đòi nợ mình đó. Mình thiếu nợ nó, nó đòi mình đủ cách. Cho nên, đừng có bỏ mặc vì bỏ mặc thì tội nó, nhưng mà phải nhắc nhở, dù nó bớt đi một ngày nó không đi chơi hoặc nó không bỏ đi một ngày đi nữa cũng là mình thấy làm tròn bổn phận rồi.

Nhưng mà cái nên, cái hư là do cái nghiệp của nó, chứ mình đâu có muốn nó hư. Con hiểu không? Cái bổn phận thì mình làm, nhưng đừng để cái tâm của mình, tại sao tôi dạy nó không được?

Cái nghiệp của nó mà, làm sao mình dạy cái nghiệp nó được!?

– Thầy nói con cũng an tâm chứ con thấy khổ, nuôi cả cha nó rồi nuôi hết hai đứa con. Mà hai đứa con nuôi nấng, hồi đó con nghèo con đâu có nuôi được bằng tụi nó bây giờ, nuôi rất là đầy đủ, từ ăn học, học thêm. Đưa tiền học, nó muốn học thì học, không thì nó lấy tiền nó xài, nó làm cho trong nhà buồn khổ vì nó dữ dội.

– Thì nó đòi nợ đó, mình biết thì vừa trả nợ vừa vui. Còn con vừa trả nợ lại vừa khổ, mà trả chưa hết thì nó cứ đòi hoài. Khi mà con trả xong hết nợ rồi thì:

Một là nó chết, nó chết thì đâu còn nữa, chỉ có một lần khổ nữa thôi, thương nó thôi, hết.

Hai là nó trở về con đường thiện, nó làm cho mình vui, nó biết ăn năn sám hối, nó biết xin lỗi, từ lâu con dại dột này kia… Nó gặp cái trường hợp nào đó cho nó một bài học xứng đáng của cuộc đời, bắt đầu từ đó nó hối hận trở về xin lỗi mình. Thì nó phải mua một cái giá đắt của xã hội chứ? Nhưng mà từ cái ngày mình dạy nó không nghe, bây giờ nó mới mua cái giá đó nó mới thức tỉnh, tức là mình hết nợ rồi, nó mới gặp cái trường hợp đó, nó thức tỉnh.

Còn bây giờ nó chưa gặp, nó còn thấy bóng đèn đẹp quá thì nó cứ bay vào thôi, dù con có nói gì nói nó đâu có nghe.

– Bây giờ nhiều khi nằm mà khóc cũng hết nước mắt, răn dạy nó hết lời, nói to nói nhỏ ngọt ngào… đủ cách hết trơn. Như cách đây hai bữa con với Nga tính đi, mà xe của bác hai nó chưa có rảnh để đi trước tới Thầy, thì nó nghe vậy là đêm đó nó bỏ nhà đi. Nó biết tụi con đi là nó đi. Nó đi trước. Mai tụi này ở lại thì nó về, nó giật mình thấy tụi này còn ở. Nó ăn cắp cả trăm ngàn, trời ơi…! Mà hở với nó là khổ chưa từng có…

– Thôi vui mà trả cái nợ, bởi vì nó sanh ra trong gia đình của mình, nó là con cháu của mình, tức là nó có cái nghiệp nợ vay với nhau trong này rồi, cho nên mình mới thương nó. Mình thương nó thì nó đòi cái này, nó đòi cái kia, chứ đâu phải là mình thiếu dạy dỗ, nhưng mà phải vui mà trả, phải cẩn thận kỹ lưỡng ở trong nhà. Bởi vì Thầy nói, mình lơ đãng để cái xe thì thằng ăn cắp có tội, mình cũng có tội. Mà tiền bạc mình cất cho kỹ lưỡng, đàng hoàng, không khéo nó lén nó lấy thì nó có tội, mình cũng có tội trong đó. Phải cố gắng mà giữ chứ đừng có để. Và như vậy Thầy nói, càng có cái gì ở trong nhà mình nó có ác pháp trong đó rồi thì mình rất là bận tâm lắm. Nhưng mình bận tâm tức là ý tứ tư duy từng chút, cẩn thận, kỹ lưỡng từng chút, không phải hời hợt được.

Nhiều khi hồi nhà mình không có đứa nào như vậy thì mình muốn bỏ tiền, bỏ bạc bỏ gì đâu đó cũng được hết, không ai lấy. Nhưng mà có nó thì không được đâu, con phải cẩn thận để không nó còn chồng thêm cái tội lỗi nó nữa. Nó tạo cái nhân đó hiện tại là cái ác của nó mà, sau này nó thọ lãnh cái quả nữa.

– Đó, thằng cháu nội, cha nó cũng bỏ, mẹ nó cũng bỏ, nuôi mà nó hành khổ sở. Còn một đám con của con đứa nào đứa nấy dễ dạy. Cha nó, nghĩa là không có hỗn ẩu, cũng không có gì, chẳng lo lắng gì hết, tới bây giờ cũng vẫn còn nuôi được hết, nó để lại cho hai đứa con vẫn còn nuôi được, nuôi luôn cha nó nữa Thầy. Tiền bạc, người này cho người kia cho, cho hoài mà ở không, không biết làm gì, cũng làm khổ, làm như là cái nghiệp, không biết chừng nào mà trả cho dứt nỗi?

– À thì mình cứ vui vẻ trả, bởi vì đời trước mình vay nó bao nhiêu thì bây giờ nó đòi mình trả bấy nhiêu à. Con phải trả thôi, con đừng có than phiền. Mình là người thiếu nợ, mình cứ trả. Trời ơi, tôi trả hoài mà sao không hết vậy?

Thì chưa hết nó còn đòi, chứ hết rồi ai đòi nữa. Cũng như bây giờ con thiếu nợ người ta 1 triệu, con trả người ta mới 1 trăm, mà con cứ than hoài, trời ơi khổ tui quá trời. Mới trả người ta 1 trăm, còn 900 ngàn nữa chưa có trả. Phải không?

Bây giờ người ta đòi thêm chút nữa, con lại than trời ơi, vậy thì chết tôi mất, còn gì? Mới có trả được 200, còn 800 nữa, chưa hết mà cứ than. Thành ra mình còn nợ, con trả hết thì nó hết.

Ví dụ như có một đứa con mình sinh ra, nó đau liên miên, hết bệnh này đến bệnh khác, bây giờ mạnh, bữa hai bữa nó đau nữa, đùng cái nó chết, mình hết nợ.

Hết nợ lại khóc thương, trời ơi tội nghiệp, nhỏ này sanh ra đau bệnh riết bây giờ nó chết, thấy tội. Đứa nhỏ này sao mà thông minh quá… dễ dạy, dễ thương, nói đâu nó cũng nghe lời hết. Bởi vì nó vậy nó mới làm cho mình khổ, cho nên nó đòi nợ mình dữ tợn nữa, mà nó siết mình có một thời gian, trả hết rồi nó chết.

Chết rồi bắt đầu mình thấy khỏe re mà không thấy khỏe, bữa nào cũng thắp cây hương, con về đây ăn cơm này kia… Nó nợ nó đi mất rồi mà kêu nó về ăn cơm. Phải không? Vì thương nó, thằng này nó dễ dạy nè, nó dễ thương nè…

– Vậy thì chắc giờ cũng phải làm thinh để cho nó làm gì nó làm, cũng chả khuyên lơn nó?

– Không, theo Thầy thấy thì mình nợ mà, cái khuyên lơn của con là con trả từng đồng nó đó. Còn con không khuyên lơn nó thì coi như con cũng thiếu bổn phận của mình đối với nó. Đã là con cháu trong gia đình, cho nên mình bỏ mặc thì không có được. Bỏ mặc, nó còn làm cái điều gì thì mình còn hối hận nữa. Bây giờ con không có đánh, rầy, mắng nó nhiều, đừng có tạo thêm hành động rầy mắng. Con nói nhẹ nhàng thôi: cái điều đó con làm sai, không đúng, con hãy chừa bỏ đi. Con nói như vậy, đó là cái bổn phận của con, vừa là cứu con, con trả nợ mà con không khổ tâm. Còn con giận quá, con mắng nó, con rầy kia nọ… đó là tự con chuốc lấy thêm nhân ác của con nữa, tức là con vừa trả mà vừa vay nữa đó.

Bởi vì phải biết mình trả mà mình không vay là mình không có giận, không có mắng chửi nó.

Cũng như Nga nó giận rồi đánh nó là con nhỏ này vay nợ đó, sau này chúng đánh lại. Mình đánh người ta, chừng đó người ta đánh mình 10 roi à, phải không? Mình mắng nó một chứ sau này người ta mắng mình 10 à. Cũng như hồi đó con vay nó chỉ có 100, bây giờ nó lời tới 1 triệu rồi đó. Hồi đó mình vay ít, chứ tính lãi mẹ đẻ lãi con thì nó phải nhiều hơn, cho nên bây giờ con phải khổ hơn. Hồi đó con chỉ làm ít, nhưng bây giờ con phải trả nhiều một chút. Người ta nói vay 1 trả 10 mà, đâu có cái chuyện 1 mà trả 1 đâu!?

Thì hôm nay Thầy nói, chúng ta luôn luôn lúc nào cũng đứng trong cái nhân quả để giải quyết cái tâm của mình mà thoát ra cảnh khổ, không để cho cái tâm của mình giận dữ đối với gia đình, đối với những người xung quanh mình, thì như vậy cũng là tu rồi đó chứ! Chứ các con tu sao? Nghĩ mình vô chùa rồi trốn ở trong đó, tụng kinh gõ mõ tối ngày là tu hả? Đâu phải!

Tu là ngay trong cuộc sống, giữ gìn được tâm hồn của mình thanh thản, an vui, không có bận bịu, không có lo lắng, không có sợ hãi, không có phiền não thì đó là tu đó. Mà tu như vậy là cái gì? Đức Phật nói: “Niết bàn tại thế”, mà Đức Phật gọi là Hữu dư Niết bàn, nơi mà cái tâm thanh thản, không có buồn, không giận, không hờn, không có gì hết. Cái đó là cảnh giới giải thoát của một con người tu.

THÔNG TIN TÁC GIẢ

Trưởng lão Thích Thông Lạc

Xem thêm

Nhân quả

Trưởng lão Thích Thông Lạc

Diệu Quang

Đức Phật đã xác định: “Con người từ nhân quả sanh ra, sống trong nhân quả và chết trở về nhân quả”. Đó là lời xác quyết rất hùng hồn, chỉ vì Ngài đứng trên lập trường “duyên hợp” của các pháp. Trong thế gian này không có một vật thể nào độc lập riêng lẽ tự nó. Cho nên, tất cả vạn vật sanh ra đều do các duyên hợp mà thành.

Ái kiết sử

Trưởng lão Thích Thông Lạc

Khi tu tập xả tâm tức là con tu tập đạo đức làm người không làm khổ mình khổ người. Không làm khổ mình khổ người là con đã trả vay nghiệp nhân quả của tiền kiếp, trả vay nhân quả của tiền kiếp tức là con bứt bỏ thất kiết sử, khi bứt bỏ thất kiết sử thì con không còn phóng dật, tâm con không còn phóng dật tức là tâm định trong thân con, tâm định trong thân thì tâm thường thanh thản, an lạc và vô sự.
5.0
Tổng 1 lượt bình luận

Ban biên tập

08:57 07 Th5 2022
2

Sống không làm khổ mình khổ người là trả nợ nhân quả quá khứ và không tạo nhân ác ở hiện tại, nên tương lai không có quả khổ.

VIẾT BÌNH LUẬN

THÔNG TIN BỔ SUNG

  • Tác giả

    Trưởng lão Thích Thông Lạc

  • Đối tượng

    Cư sĩ Từ Đức

  • Chuyển ngữ bởi

    Thư viện Thầy Thông Lạc

  • Thời gian

    1996

  • Khổ giấy

    13 x 20.5 cm

  • Số trang

    10

  • Thể loại

    Vấn đạo

  • Dữ liệu

    file pdf, epub

  • Ngôn ngữ

    Tiếng Việt

  • Phù hợp cho

    Máy tính, máy tính bảng, smartphone